Loài cây Sách đỏ trước nguy cơ thảm sát

ThienNhien.Net – Từ hơn 15 năm trước, loài cóc đỏ (lumnitzera littorea) đã được các nhà biên soạn Sách đỏ đưa vào danh mục cảnh báo “đang đứng trước nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên”. Tuy nhiên, sự hiện diện của quần thể loài cây quý hiếm này tại Hệ sinh thái đất ngập nước Rạch Tràm (Kiên Giang) đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi lâm tặc.

Cóc đỏ tại Rạch Tràm bị đốn hạ (Ảnh: Lao Động)

Được phát hiện lần đầu vào năm 2004 (sớm hơn một năm so với phát hiện ở Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, TP HCM) nhưng đến nay, cóc đỏ tại Rạch Tràm vẫn chưa nhận được “lệnh” bảo vệ nghiêm ngặt như ở Cần Giờ. Điểm đáng lưu ý là ở Rạch Tràm có rất nhiều cóc đỏ, từ cửa biển đi vào hơn 100m, dọc 2 bờ rạch đều là thế giới của loài cây này.

Theo tin từ Báo Lao Động ngày 04/01/2012, cóc đỏ tại khu vực này không chỉ nhiều về số lượng mà kích thước của nó cũng khiến không ít nhà nghiên cứu ngạc nhiên bởi theo các tài liệu lâm học và điều tra thực tế tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cóc đỏ là loài cây gỗ nhỡ hay nhỏ với đường kính thân chỉ khoảng 30cm nhưng tại  Kiên Giang, rất nhiều cây có đường kính từ 40 cm trở lên…

Tuy đã được xác định là quần thể cây quý hiếm, có giá trị cao về mặt khoa học, nhưng trong khi các nhà quản lý còn đang mải mê với việc lập kế hoạch bảo tồn cóc đỏ thì loài cây này đã bị các đối tượng lâm tặc nhòm ngó tới. Hầu hết các cây có đường kính lớn đều bị lâm tặc thăm dò chất lượng bằng cách đục ít nhất một lỗ vào sâu tận lõi.

Theo người dân địa phương, do phần lớn cóc đỏ thường rỗng ruột khi đạt đường kính trên 50 cm nên khi có nhu cầu sử dụng, người ta thường đục sâu vào tận lõi để thăm dò. Cây này không đạt thì đục cây khác, không ít cây cóc đỏ cổ thụ đã bị chết khô sau khi bị đục.

Thực trạng này rất đáng lo ngại bởi “cóc đỏ vốn có tốc độ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống của cây tái sinh trong tự nhiên thấp (11,84%), đến nay lại chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về sự nẩy mầm của cây. Trong khi đó, những tác động của yếu tố tự nhiên và con người ngày càng khiến quần thể cóc đỏ bị chia cắt và hủy diệt” – Th.S Quách Văn Toàn Em (Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết.