Chỉ còn không quá 250 cá thể Sao la còn lại trên thế giới, chúng hiện lẩn khuất đâu đó trong khu vực vùng rừng ẩm Trung Trường Sơn của Việt Nam và giáp Lào. Tuy nhiên, “mái nhà” sinh sống của loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) – những cư dân cuối cùng lưu danh trong Sách Đỏ thế giới đang bị thu hẹp bởi chính bàn tay của con người, khiến loài động vật quý hiếm này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Những thông tin này một lần nữa được đưa ra tại Hội thảo: “Kết nối cảnh quan, đảm bảo nơi sinh sống cuối cùng cho Sao la”, do Bộ NN&PTNT cùng Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên-WWF Chương trình Mêkông tổ chức.
Đi tìm cư dân Sách Đỏ năm 1992, đoàn chuyên gia bảo tồn thiên nhiên quốc tế đến Việt Nam khảo sát thực địa vùng rừng trung Trường Sơn và lần đầu tiên phát hiện một loài thú mới tại xã vùng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), nhưng các phát hiện này chủ yếu là tiêu bản sừng, sọ…trong các gia đình thợ săn.
Đến năm 1996, tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Hương Thuỷ (Thừa Thiên Huế), lực lượng kiểm lâm địa phương nhận được rất nhiều mẫu vật của loài động vật quý hiếm này và đã mở chiến dịch truyền thông, khoanh vùng sinh cảnh sống cho chúng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, Hoàng Ngọc Khanh, hiện nay Nam Đông là một vùng bảo tồn Sao la mở rộng nằm trong Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế).
Theo các tài liệu cũ từ năm 1999, anh Nguyễn Văn Hinh ở thôn 4, xã Hồng Tiến (Hương Trà, Thừa Thiên Huế) trong một chuyến đi rừng đã bắt được một con Sao la non có trọng lượng khoảng 10 kg và giao cho Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế để chuyển cho Vườn quốc gia Bạch Mã chăm nuôi. Nhưng do còn quá nhỏ, con Sao la này đã chết sau đó 8 ngày. Chính con Sao la này đã được Viện Công nghệ sinh học (Trung tâm khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia) lấy mẫu để phục vụ nghiên cứu.
Thông tin này đã được nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên trên thế giới quan tâm đến Việt Nam để khảo sát nhằm lập bản đồ vùng phân bố sao la. Từ khi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi “thăm nhà” của Sao la, bà Trần Minh Hiền – Giám đốc WWF Chương trình Việt Nam đã khẳng định: “Việc phát hiện sao la, một loài đặc hữu có mặt tại Việt Nam đã bổ sung thêm một loài mới vào Sách Đỏ thế giới cuối thế kỷ 20. WWF cam kết sẽ can thiệp kịp thời để đảm bảo cho sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này”.
Ngay trong kết quả điều tra của WWF cũng cho thấy, vùng cư trú của Sao la chủ yếu tại các khu vực khe suối ở thượng nguồn các sông Hương, sông Bồ, thuộc vùng rừng ẩm Trung Trường Sơn. Hiện nay, có thể còn 9 quần thể phụ mà Sao la cư ngụ, trong đó khả năng một quần thể có số lượng gần 50 cá thể cư ngụ tại khu vực rừng kéo dài từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và rừng giáp ranh với Khu Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Xê Sáp (Lào).
Đi sâu vào khu rừng ẩm Trung Trường Sơn tại địa bàn huyện Nam Đông và Vườn quốc gia Bạch Mã với hy vọng tìm được một tiêu bản của cá thể Sao la, hoặc may mắn được nhìn thấy chúng, nhưng có lẽ với 1 khu vực bảo tồn rộng hàng ngàn ha mà chỉ có chưa đầy 250 cá thể Sao la sinh sống thì thực sự là quá khó.
Đến nay, hình tượng Sao la được coi như một nỗ lực bảo tồn của không chỉ riêng các các cơ quan bảo vệ thiên nhiên ở Việt Nam mà của cả các tổ chức trên thế giới. Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Hà Công Tuấn dẫn chứng: “Thái Lan gần đây cũng đã phát hiện một quần thể vài trăm con bò xám quý hiếm duy nhất của thế giới còn sót lại. Tuy nhiên, rất tiếc loài động vật này đã biến mất trên bản đồ động vật thế giới. Vậy, đối với Sao la, thái độ của mỗi người dân, cũng như các cơ quan liên quan phải sớm vào cuộc trước khi quá muộn”.
Thực hiện ngay những ý tưởng, WWF và Cục Kiểm lâm đã phối hợp với nước bạn Lào thiết lập một Hành lang xanh, kéo dài từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam rồi nối liền với Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Xê Sáp (Lào). Hành lang xanh bảo vệ sinh cảnh sống của Sao la này rộng tới gần 3.000 km2, ít chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển, sự thay đổi khí hậu, cũng như những tác động của con người và được xác định là một trong những ưu tiên bảo tồn cao nhất ở Việt Nam.
Đây là khu vực rừng ẩm thường xanh vùng thấp còn lại cuối cùng của quốc gia, bao bọc nhiều quần thể động thực vật quý hiếm trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng và có thể mang lại cơ hội sống sót cho Sao la.
Cũng trong chuyến thực địa Vườn quốc gia Bạch Mã mở rộng, điều phối viên dự án Hành lang xanh của WWF – Lê Văn Đông không ngần ngại bày tỏ những nỗ lực và kỳ vọng trong công tác bảo tồn. Anh khẳng định, theo kế hoạch bảo tồn sao la từ nay đến năm 2010, hành lang xanh thiết lập 5 khu vực ưu tiên cho bảo tồn gồm: Vùng thượng nguồn của sông Hữu Trạch ở xã Hương Nguyên (A Lưới), Thượng Quảng (Nam Đông); thượng nguồn sông Tả Trạch ở các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật (Nam Đông); núi Mang Chan ở xã Dương Hoà (Hương Thuỷ) của tỉnh Thừa Thiên Huế; thượng nguồn sông A Vương tại xã B’Ha Lêê (Tây Giang) và vùng đông xã A Vương (Đông Giang) của tỉnh Quảng Nam – những nơi cư ngụ có thể nhiều hơn một cặp Sao la.
Ngoài ra, các cảnh quan bảo vệ sao la cũng sẽ được khoanh vùng trong các vùng rừng Bắc và Nam Hải Vân; Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà; Vườn quốc gia Bạch Mã; Khu bảo tồn đa dạng sinh học Xê Sáp. Các hành động ưu tiên bảo tồn sẽ tập trung vào việc gỡ bỏ tất cả bẫy trong vùng bảo tồn Sao la; xây dựng vùng bảo vệ nghiêm ngặt dọc ranh giới 2 tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Nam.
Chia tay núi rừng Bạch Mã khi những đám mây mù trắng toát, lạnh buốt đã buông kín. Dù không như kỳ vọng sẽ được may mắn nhìn thấy những hình ảnh hiếm hoi về loài động vật quý hiếm được cả thế giới quan tâm này, nhưng qua niềm tin bảo tồn của những người làm công tác bảo vệ thiên nhiên, qua sự hợp tác tích cực của người dân bản địa – những người đang hưởng lợi từ rừng, những cư dân Sách Đỏ đang được quan tâm đúng cách. Và chắc chắn một điều, với những gì mà các nhà bảo tồn thiên nhiên đã và đang làm, trong tương lai, con em chúng ta không phải nhìn thấy những cư dân Sách Đỏ trong tranh vẽ.