Thế giới không còn nhiều thời gian để đạt mục tiêu khí hậu

ThienNhien.Net – Thế giới chỉ còn khoảng 5 năm để tạo ra những bước đột phá cần thiết trong chính sách nhằm tránh khỏi những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đây là kết luận mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo thường niên mang tên World Energy Outlook (Triển vọng Năng lượng Thế giới).

Chỉ còn 5 năm để hành động

Báo cáo của IEA năm nay tập trung vào những gì thế giới có thể làm để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, ngưỡng mà nhiều quốc gia đã cam kết hướng tới.

Theo IEA, để đạt được mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, thế giới chỉ được phép phát thải một lượng khí tương đương khoảng 1 nghìn tỷ tấn CO2 đến giữa thế kỷ này. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng mà hiện thế giới đang xây dựng, bao gồm các nhà máy điện, các tòa nhà, nhà máy, đều dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch – “thủ phạm” chính làm phát thải CO2, một loại khí nhà kính chủ yếu gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Và một khi đã được xây dựng, các công trình này sẽ tồn tại đến khi hư hỏng, và tiếp tục là nguồn thải khí nhà kính trong vài thập kỷ tới. Theo tính toán, trong vài thập kỷ tới, các công trình hiện đã được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch sẽ thải khoảng 80% tổng lượng khí thải cho phép để kìm giữ nhiệt độ dưới mức tăng 2°C.

Các trạm, công trình, nhà máy năng lượng hiện đang được xây dựng trên khắp thế giới đều dựa chủ yếu vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch (Ảnh minh họa: Reuters)

Để kìm giữ lượng phát thải ở dưới mức đó, nền văn minh nhân loại chỉ có thể duy trì tình trạng hiện tại trong vòng 5 năm nữa trước khi tổng lượng phát thải cho phép bị dùng hết. Trong trường hợp này, nếu muốn đạt được mục tiêu khí hậu, tất cả cơ sở hạ tầng mới được xây dựng kể từ năm 2017 sẽ hoàn toàn không được phát thải.

Trì hoãn là bước đi sai lầm

Kết luận của báo cáo World Energy Outlook năm nay theo Richard Jones, phó giám đốc điều hành IEA, là “một thông điệp khá mạnh mẽ thúc đẩy thực thi các chính sách vào năm 2017” nhắm tới một bước chuyển đổi lớn sang hệ thống hạ tầng các-bon thấp.

Ông cho biết: “Nếu trì hoãn lâu hơn sẽ có ngày càng nhiều công trình phải ngừng hoạt động khi chưa “đến tuổi”, gây tổn thất nhiều tiền của hơn. Hiện tại, nếu loài người không bỏ tiền ra xây dựng các cơ sở hạ tầng phát thải thấp thì ước tính tương lai, chúng ta phải bỏ ra gấp 4 lần. Như vậy, việc đạt được mục tiêu khí hậu sẽ càng khó khăn và tốn kém, đặt trong bối cảnh chính trị hiện nay có khi còn không thể thực hiện được”.

Vì nguyên do trên, báo cáo nhấn mạnh: “Trì hoãn hành động thực sự là cách thức quản lý kinh tế sai lầm”.

Cũng theo IEA, để đạt được mục tiêu khí hậu khi chưa quá muộn, hơn một nửa số nguồn năng lượng mới được triển khai từ nay trở đi sẽ phải là các nguồn tái tạo. Điều này đòi hỏi tăng cường các khoản đầu tư tài chính, kỳ vọng đạt mức 250 tỷ USD vào năm 2035, gấp 4 lần mức hiện nay. Thực tế, con số này vẫn sẽ ít hơn một nửa so với khoản chi phí mà thế giới hiện đang tiêu tốn cho nhiên liệu hóa thạch.

Chưa hết, để đạt được mục tiêu khí hậu thế giới cũng có thể cần tăng cường điện hạt nhân và khí thiên nhiên, theo IEA. 

Tuy nhiên, xét đến cùng, hiện trạng phát thải từ hệ thống cơ sở hạ tầng của thế giới vẫn khiến việc đạt được những mục tiêu trên trở thành một nhiệm vụ khó khăn, Richard Newell, một nhà kinh tế học năng lượng của trường Đại học Duke, đồng thời là Cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), nhận định. Ông còn cho hay: “Dù có thể khả thi về mặt kỹ thuật, song trên phương diện kinh tế hay chính trị thì mục tiêu này khá viển vông. Nếu chúng ta không có một số thay đổi đáng kể về công nghệ, thị trường và chính sách năng lượng thì những xu hướng hiện tại sẽ dẫn tới một tương lai năng lượng chẳng khác hiện tại là mấy”.