5 triệu USD cho hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai

ThienNhien.Net – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt danh mục dự án “Chương trình viện trợ New Zealand (NZAP) hỗ trợ triển khai Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ” trị giá 5 triệu USD.

Ảnh minh họa (sunland.com.vn)

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt nam thực hiện các thủ tục ký tiếp nhận khoản viện trợ nêu trên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành; đồng thời khẩn trương chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Dự án sẽ triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương thức hiện đại nhằm cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận quỹ đất và công khai hóa thông tin về đất đai.

9 tỉnh được lựa chọn tham gia dự án gồm: Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Ngãi thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; Thái Bình, Hưng Yên và Hà Nội thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ quản dự án, sẽ triển khai đo đạc lập bản đồ, lập sổ sách địa chính dưới dạng cơ sở dữ liệu và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai và hệ thống thủ tục hành chính trong quản lý đất đai; tăng cường tính công khai và minh bạch trong quản lý hướng tới việc tạo thuận lợi trong tiếp cận quỹ đất thông qua dịch vụ thông tin đất đai đối với mọi đối tượng.

Trong năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Kết quả đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi 30.000m2 đất đô thị, 450ha đất rừng tại Quảng Ninh và đề nghị thu hồi gần 18.000m2 đất sản xuất kinh doanh tại Khánh Hòa….

Báo cáo về thực trạng và nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra những khâu xuất hiện hành vi tham nhũng nhiều nhất đó là: công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; định giá đất…

Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến dưới nhiều biến tướng khác nhau: gian lận trong lập phương án bồi thường; xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất có sự thỏa thuận với người dân để chia lợi hoặc phê duyệt giá giao đất, cho thuê đất có lợi cho chủ đầu tư.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống văn bản pháp luật  đất đai có nhiều điểm chưa thống nhất, còn chồng chéo, tạo kẽ hở. Bên cạnh đó do hệ thống hồ sơ địa chính chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, thiếu dữ liệu quản lý thông tin tới từng thửa đất. Đây cũng là kẽ hở để cán bộ cấp cơ sở lợi dụng nhũng nhiễu khi làm thủ tục cấp giấy, xác nhận thời điểm sử dụng đất, lập hồ sơ khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để tham nhũng…