Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quy hoạch phát triển

ThienNhien.Net – Đây đích thực là hướng đi lâu dài, đầy triển vọng mà Chính phủ Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đã và đang triển khai nhằm giảm các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học toàn cầu, phục vụ cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là cái đích của Dự án dịch vụ hệ sinh thái (HST) do Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra chủ quản với nguồn tài chính đầu tư từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) trong giai đoạn 2010 – 2014.

Phát biểu trong bài trình bày mở đầu Hội thảo khởi động Dự án dịch vụ hệ sinh thái hôm 30/9 vừa qua, Tiến sĩ PushPam Kumar, Trưởng phòng Kinh tế dịch vụ HST của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), giải thích: “Lồng ghép dịch vụ HST là đưa các khía cạnh dịch vụ HST liên quan vào trong các quyết định thể chế để chúng trở thành động lực xây dựng các chính sách, quy định, kế hoạch và đầu tư. Phải lồng ghép làm sao để một giám đốc ngân hàng hay một vị lãnh đạo doanh nghiệp trước khi ra quyết sách hoặc đầu tư vào một dự án nào đó luôn luôn cân nhắc tới nhân tố dịch vụ HST rồi mới đưa ra quyết định”.

Tất nhiên có rất nhiều cấp độ lồng ghép chứ không đơn thuần chỉ có một cấp độ. Thông thường, quá trình lồng ghép khởi đầu từ cấp độ chương trình và quy mô dự án, nếu thí điểm thành công sẽ được nhân rộng ở cấp độ vĩ mô, cấp độ ngành. Và Dự án dịch vụ HST có xuất phát điểm từ cấp độ đầu tiên.

Được biết, dự án này chính là bước nối tiếp Chương trình Đánh giá HST Thiên niên kỷ (2001 – 2005), trọng tâm hướng đến việc xây dựng và ứng dụng các công cụ hỗ trợ cho quá trình lồng ghép dịch vụ HST vào các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với địa phương thí điểm là tỉnh Cà Mau và đối tượng HST tập trung là hệ thống rừng ngập mặn Cà Mau cùng các dịch vụ có liên quan.

Dự án do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) chủ trì thực hiện và sẽ được triển khai thông qua ba hợp phần chính: từ xây dựng và ứng dụng các công cụ hỗ trợ quá trình ra quyết định, hỗ trợ ứng dụng các phương pháp tiếp cận quản lý dịch vụ HST ở cấp quốc gia/quốc tế đến tăng cường trao đổi qua các diễn đàn chính sách – khoa học.

Việt Nam là một trong 4 địa điểm được đầu tư triển khai Dự án dịch vụ HST, ba địa điểm còn lại là Chile, Nam Phi và Lesotho, Trinidad và Tobago.