Tạm dừng cấp phép khoáng sản: Năm vấn đề cần giải quyết

Ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong buổi trao đổi với ThienNhien.Net. Ảnh: ThienNhien.Net

ThienNhien.Net –  Đó là ý kiến của ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Văn phòng hỗ trợ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khi trả lời  ThienNhien.Net về việc mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước”.

–  Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, ngày 30/8/2011,Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6033/VPCP-KTN nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước. Ông đánh giá như thế nào về chỉ thị này và liệu có thể nói đây là biện pháp can thiệp mạnh và kịp thời đối với tình trạng cấp phép và khai thác khoáng sản tràn lan và vượt tầm kiểm soát hiện nay?

Ông PQT: Trước tiên, tôi cho rằng trong bối cảnh ngành khai thác khoáng sản hiện nay, việc tạm dừng cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết. Thậm chí, việc này nên được triển khai sớm hơn, ngay sau khi Luật khoáng sản sửa đổi bổ sung được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2010. Bởi lẽ, trong quá trình thảo luận Dự luật, Quốc hội và Chính phủ đã nhận thấy rõ rằng việc quản lý và khai thác khoáng sản hiện nay ở nước ta bộc lộ nhiều bất cập như hiệu quả kinh tế không cao, lãng phí tài nguyên và để lại nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.

Chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản trên cả nước. Hi vọng rằng đây cũng sẽ là hành động cụ thể đầu tiên để Việt Nam nhìn nhận, tổng kết và đánh giá lại mô hình phát triển đất nước theo chiều rộng và dựa vào tài nguyên như trong thời gian qua. Để từ đó có giải pháp đi theo định hướng mới, chuyển nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu, kinh tế tri thức, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

– Bản thân các Bộ đã nỗ lực nhất định trong phần việc quản lý của mình, nay lại phải đánh giá những nỗ lực đó và đề xuất hướng chấn chỉnh. Dường như sẽ vẫn là kiểu báo cáo “tự soi gương”. Ông có gợi ý gì cho các Bộ để đảm bảo việc đánh giá đảm bảo tính độc lập, thực sự thẳng thắn và có những đề xuất tốt?

Ông PQT: Chỉ đạo của Thủ tướng là tương đối rõ ràng với các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải đánh giá được thực trạng của ngành khoáng sản trong phạm vi Bộ mình quản lý. Hiện trạng hiện nay như thế nào? mặt gì được? mặt gì chưa được? và phương án chấn chỉnh. Đáng chú ý, đối với Bộ Công Thương, văn bản chỉ đạo nêu cần báo cáo rõ “loại khoáng sản nào phải chế biến sâu, sâu đến mức nào”. Đây chính là điểm mới.

Lâu nay, trong các văn bản chỉ đạo chúng ta thường thấy cụm từ “khuyến khích chế biến sâu”. Tuy nhiên, khái niệm chế biến sâu nói chung và đối với từng loại khoáng sản nói riêng là rất mơ hồ. Thế nào là sâu và sâu đến mức độ nào thì không ai biết! Chính vì thế, trong nhiều trường hợp người này thì bảo là sâu, người kia lại bảo là chưa; và trong bối cảnh đó, doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì cứ tận dụng sự mơ hồ của khái niệm để tối đa khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản. Theo yêu cầu của Thủ tướng, chúng ta sẽ phải xác định được mức độ khai thác và chế biến sâu đối với từng loại khoáng sản cụ thể thì mới có thể giảm được tình trạng “chảy máu tài nguyên”, xuất thô khoáng sản như hiện nay.

Dĩ nhiên, không phải là chỉ cho đến bây giờ khi có yêu cầu của Thủ tướng thì các Bộ mới thực hiện việc đánh giá lại ngành khoáng sản. Những năm qua, trước khi dự thảo luật khoáng sản được trình lên Quốc hội thì các Bộ TN&MT, Công thương cũng đã có những đánh giá tương tự. Bộ TN&MT đã chủ trì thực hiện tổng kết 13 năm triển khai nghị quyết Bộ Chính trị năm 1996 về ngành công nghiệp khoáng sản. Việc đánh giá, rút kinh nghiệm thực chất là việc làm định kỳ và liên tục của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thế nhưng, nếu chỉ cơ quan nhà nước cứ mãi lặp lại chu kỳ tự đánh giá, triển khai rồi lại tự đánh giá theo hình thức “tự kiểm điểm”, hiệu quả sẽ không cao. Ngoài việc tự đánh giá của các cơ quan Nhà nước, cần có một cơ chế mở để thu hút sự tham gia đánh giá của toàn xã hội và đặc biệt là của các cơ quan nghiên cứu khoa học và các đơn vị độc lập. Như thế, hiệu quả chắc sẽ đạt cao hơn nhiều.

Dân gian có câu “cờ ngoài bài trong”, nên một bản đánh giá khoa học và độc lập sẽ đảm bảo được tính khách quan, không bị chi phối về lợi ích. Trong trường hợp này, có thể nghĩ đến các tổ chức có uy tín về chuyên môn như Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội mỏ luyện kim hay Tổng Hội địa chất…

Ngành khoáng sản nước ta chưa đạt được hiệu quả kinh tế so với ngành kinh tế khác; gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến xã hội; thất thoát tài nguyên… Ảnh: ThienNhien.Net

– Luật Khoáng sản sửa đổi đã có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2011? Vậy những phần việc tiếp theo cần chú trọng sẽ là gì?

Ông PQT: Theo tôi để lồng ghép các vấn đề chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng Luật khoáng sản sửa đổi đã có hiệu lực thì cần sớm triển khai thực hiện 5 vấn đề.

Thứ nhất, cần đánh giá tổng thể về thực trạng khai thác khoáng sản ở Việt Nam theo như Thủ tướng đã giao cho 3 Bộ. Ngoài ra, cần thu hút sự tham gia đánh giá độc lập và góp ý của các tổ chức khoa học như tôi đã trình bày ở trên.

Thứ hai, các Bộ cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành rà soát, thanh tra lại toàn bộ các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay. Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không đủ năng lực thực hiện, hoạt động kém hiệu quả. Đây là hậu quả để lại của việc cấp giấy phép tràn lan trong thời gian qua. Cần phải nắm được những ai đang khai thác, hiệu quả và hậu quả khai thác ra sao để có biện pháp chấn chỉnh và thậm chí rút giấy phép đối với những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, cấp phép hoặc thực thi sai quy định.

Thứ ba, đó là vấn đề triển khai Luật. Luật Khoáng sản sửa đổi được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ và đã có hiệu lực hơn hai tháng, tuy nhiên cho đến nay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi vẫn chưa hoàn thành. Cần đầu tư xây dựng và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn này để đảm bảo đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ tư, cần xây dựng xong chiến lược và quy hoạch tổng thể về khoáng sản trước khi triển khai việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trở lại. Chiến lược và quy hoạch tổng thể khoáng sản phải định vị được ngành khai thác khoáng sản nằm ở đâu trong quy hoạch phát triển tổng thể của đất nước trong thời gian tới.

Nghị quyết đại hội XI của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 đều đề cập đến tính cấp thiết của việc thay đổi mô hình phát triển đất nước, chuyển phát triển từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu; từ nền kinh tế bóc lột tài nguyên sang phát triển bền vững. Vì thế, chiến lược và quy hoạch khoáng sản phải đặt được mình vào trong định hướng tổng thể này. Nghĩa là cần thay đổi tư duy trong quản lý, khai thác khoáng sản, phải tính đến tăng cường khoa học công nghệ, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng trong ngành. Cần thúc đẩy nhanh việc cấm hoàn toàn xuất khẩu khoáng sản thô như hiện nay để tiết kiệm tài nguyên cho con cháu mai sau.

Vấn đề cuối cùng, đó là việc thực thi sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (gọi tắt là EITI). Sáng kiến này đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng và Việt Nam cũng đã bước đầu tiếp cận nghiên cứu trong thời gian qua.

Tại đối thoại phòng chống tham nhũng và hội nghị CG giữa kỳ năm 2011, các nhà tài trợ cho Việt Nam đã thống nhất khuyến nghị Việt Nam tham gia sáng kiến EITI. Đại sứ Thuỵ điển thậm chí còn nhấn mạnh và xem đây như là “giải pháp tốt và duy nhất hiện nay để phòng và chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng ở Việt Nam”. Nghiên cứu của Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cũng cho thấy việc tham gia sáng kiến EITI đối với Việt Nam là hoàn toàn khả thi và mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Vì thế, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình tham gia sáng kiến này.

Năm nội dung trên cần được thực hiện trước khi cấp phép trở lại đối với khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ yêu các Bộ phải có báo cáo tại phiên họp của Chính Phủ trong tháng 9. Tuy nhiên, theo tôi, cần ít nhất một năm để chúng ta có thể thực hiện 5 nhiệm vụ này, cũng có nghĩa việc ngừng cấp phép khai thác khoáng sản nên ngừng lại trong khoảng một năm để hoàn thiện việc rà soát, đánh giá và định hướng. Nếu quá gấp gáp sẽ khó tránh khỏi tình trạng thực hiện qua loa, lấy lệ mà không giải quyết được vấn đề.

– Hiện nay Cổng thông tin điện tử chính phủ và Bộ Tài nguyên & môi trường đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Là người đã có quá trình nghiên cứu và theo dõi vấn dề này, ông có ý kiến nhận xét và đóng góp gì cho bản dự nảo này không?

Ông PQT: Như tôi đã nói ở trên, chiến lược khoáng sản phải đặt được mình trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu thế, bản dự thảo chiến lược khoáng sản cần xem lại tính bao quát và cân nhắc kỹ hơn về mục tiêu. Nghiên cứu bản dự thảo tôi nhận thấy chiến lược khoáng sản vẫn tách mình ra như một ốc đảo. Chưa gắn kết được với các ngành kinh tế khác và đặt mình trên nền tảng và bối cảnh phát triển chung của xã hội.

Ngành khoáng sản có nhiều công đoạn, từ điều tra địa chất, thăm dò, khai thác đến chế biến và sử dụng khoáng sản. Tuy nhiên, dự thảo chiến lược khoáng sản dường như chỉ mới đề cập đến những công đoạn đầu của chuỗi giá trị bao gồm công tác điều tra địa chất, thăm dò và một phần của hoạt động khai thác khoáng sản. Công đoạn chế biến và sử dụng khoáng sản chưa được đề cập trong bản dự thảo chiến lược này. Bên cạnh đó, dự thảo chiến lược lại tập trung vào việc mô tả định hướng hoạt động cho một số loại khoáng sản và vùng cụ thể. Đây không phải là nhiệm vụ của việc lập chiến lược mà chúng sẽ được đề cập đến quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể của từng loại khoáng sản sau này. Quy định cụ thể cho một số loại khoáng sản và một số vùng như thế này trong chiến lược vừa “đá nhầm sân”, thừa mà vẫn thiếu vì không liệt kê hết được cho tất cả các loại khoáng sản.

– Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho ThienNhien.Net!