Quyền môi trường và sự tham gia của người dân trong thực hiện quyền môi trường

Quyền môi trường và quy định của pháp luật Việt Nam

ThienNhien.Net – Các nhà lập pháp và cộng đồng quốc tế xem quyền được sống trong môi trường trong lành, hay quyền môi trường (QMT), là một quyền con người cơ bản thuộc nhóm thế hệ quyền mới; vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của tập thể (collective right) (Boyle, 2010). QMT bao gồm quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được có tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể về môi trường sống, quyền được sử dụng các biện pháp để khắc phục, bồi thường trong những trường hợp quyền này bị vi phạm. QMT bao gồm các quyền thực định (substantive rights) và quyền thủ tục (procedural rights) (Shelton, 2000).

Theo nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế, bất cứ quyền nào cũng bao gồm chủ thể nắm giữ, sở hữu quyền ấy đồng thời chỉ ra trách nhiệm pháp lý của chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền ấy. Chủ thể quyền của QMT là các cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng và các quốc gia cũng như toàn thể nhân loại. Chủ thể nghĩa vụ thực thi QMT, hay chủ thể chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm QMT là nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ chính trong tôn trọng, bảo vệ và thực thi QMT; Trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước với tư cách là quốc gia thành viên của các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự-chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa năm 1966… Trong trường hợp xảy ra các sai phạm, vi phạm hay xâm phạm quyền về môi trường của người dân, các cơ quan nhà nước (đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên đới) cần phải thực thi tất cả các biện pháp, bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác (như giáo dục, phổ biến,tuyên truyền…) để bảo đảm quyền về môi trường cho tất cả mọi cá nhân và nhóm xã hội.

QMT lần đầu tiên được Việt Nam ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, được hiến định tại Điều 43: “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”. QMT có mối liên hệ mật thiết với các quyền con người cơ bản khác, nghĩa là không thể được thực hiện nếu tách rời các quyền con người cơ bản khác, bao gồm quyền sống (được quy định tại điều 19 của Hiến pháp 2013), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25 Hiến pháp 2013), quyền về sức khỏe (Điều 20, 38 Hiến pháp 2013), quyền an sinh xã hội (Điều 34, Hiến pháp 2013)…

Tấm biển trên đường vào Nhà máy Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa). (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)
Tấm biển trên đường vào Nhà máy Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa). (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Luật BVMT năm 2014 là luật quan trọng nhất về BVMT, quy định về hoạt động BVMT; chính sách, biện pháp và nguồn lực để BVMT; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong BVMT. Các tiêu chuẩn môi trường, ĐTM, BVMT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; BVMT biển, nước sông và các nguồn nước; quản lý chất thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường… và các quyền con người liên quan tới tiếp cận thông tin về môi trường như quyền khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại về môi trường cũng đã được quy định trong Luật này.

Luật BVMT 2014 đã có những bổ sung, phát triển các quy định so với luật BVMT năm 2005 trên cơ sở cụ thể hóa của các quyền hiến định được nêu trong Hiến pháp 2013. Theo đó, Luật BVMT 2014 bên cạnh khẳng định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc BVMT, đã bổ sung và nhấn mạnh nghĩa vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức xã hội (TCXH), xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc BVMT và thực hiện QMT. Đồng thời, Luật BVMT 2014 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền của các TCXH, xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc trực tiếp tham gia vào quá trình chính sách (bao gồm hoạch định, thực thi và giám sát) nói chung và thực hiện quyền môi trường nói riêng.

Với các quyền mới được nêu trong Hiến pháp 2013, đặc biệt là quyền sống (Đ.19) và quyền được sống trong môi trường trong lành (Đ.43) cũng như các quy định mới của Luật BVMT 2014, các quyền thực định và thủ tục của QMT đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để thực thi QMT cũng như còn thiếu các quy định cụ thể liên quan đến các quyền thủ tục. Chẳng hạn, Hệ thống pháp luật hình sự hiện chưa quy định, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm môi trường, đồng thời thiếu các quy định chi tiết về các quyền khiếu kiện của cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm môi trường và QMT. Việc chưa có Tòa án môi trường cũng làm hạn chế khả năng thực hiện QMT của người dân và BVMT hiệu quả.

Sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện QMT

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách nhằm bảo đảm QMT thì sự tham gia của người dân, các cá nhân và tổ chức chính trị xã hội, TCXH vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách liên quan đến môi trường cũng ngày càng được mở rộng trong luật, chính sách và thực tiễn.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thực hành dân chủ cơ sở, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với những thông tin về ĐTM cũng như tham gia trực tiếp, hiệu quả vào quá trình ĐTM, không chỉ đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội nói chung, mà đặc biệt đối với dự án tác động trực tiếp đến môi trường, tính mạng, tài sản, sinh kế và sự phát triển của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, dự án xây dựng các nhà máy thủy điện như Thủy Điện Sông Tranh (Bắc Trà My, Quảng Nam) là ví dụ điển hình về sự tham gia còn nhiều hạn chế của người dân vào quá trình tiếp cận với thông tin ĐTM cũng như tham gia vào ĐTM.

Hiến pháp 2013 đã trao cho người dân những quyền hiến định lớn hơn và hiệu quả hơn trong việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng, nhân dân vào quá trình ĐTM đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội: đó là quyền về môi trường, quyền tiếp cận thông tin, quyền được đưa ra ý kiến của mình về những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của chính mình, cộng đồng mình. Theo quy định của Hiến pháp 2013, vai trò của người dân được phát huy lớn hơn trong việc tham gia vào quá trình chính sách nói chung và thực hiện quyền môi trường nói riêng. Chẳng hạn, với quy định mới về quyền sống (Điều 19) và quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43), Hiến pháp đã đặt ra yêu cầu cần phải thể chế hóa thành luật các quy định này nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và quyền môi trường nói riêng, trong đó có yêu cầu về quyền được bảo vệ quyền sống và quyền môi trường.

Bên cạnh đó, QMT đòi hỏi sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách liên quan đến môi trường, bao gồm việc được hỏi ý kiến, được cung cấp thông tin đầy đủ để đóng góp ý kiến, đồng thời phải có quyền tham gia trực tiếp vào ĐTM. Tuy nhiên, do hiện chưa có luật tiếp cận thông tin nên việc tiếp cận thông tin về môi trường của người dân nói riêng cũng như các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình giám sát, bảo vệ và thực thi QMT nói chung còn nhiều hạn chế. Mặc dù pháp lệnh dân chủ cơ sở quy định chi tiết về yêu cầu cung cấp thông tin và được tiếp cận thông tin của người dân, song những quy định này chưa trao những quyền thủ tục, quyền thực định hiệu quả, đầy đủ để tăng cường sự tham gia của người dân vào BVMT và thực hiện QMT. Sự thiếu vắng luật tiếp cận thông tin và luật về lập hội là những rào cản lớn đối với việc BVMT và thực hiện QMT hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả thực hiện quyền môi trường

Để nâng cao hiệu quả thực hiện QMT, những khuyến nghị sau đây nên được xem xét:

Thứ nhất, cần tăng cường việc hoàn thiện thể chế và thiết chế bảo đảm QMT, bao gồm việc đẩy mạnh việc thể chế hóa QMT trong luật và chính sách; hoàn thiện tổ chức, bộ máy và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi, bảo vệ QMT; thành lập Tòa án môi trường để tăng cường cơ chế bảo vệ QMT.

Thứ hai, rà soát hệ thống pháp luật và chính sách hiện nay liên quan đến QMT nói riêng cũng như việc thi hành Hiến pháp và thực hiện các quyền hiến định của công dân nói chung theo hướng trao quyền và tăng cường quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Chẳng hạn, nên xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân…

Thứ ba, hoàn thiện các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn và mang tính chế tài mạnh hơn đối với những hành vi vi phạm môi trường và không tuân thủ pháp luật về ĐTM; xây dựng chính sách hình sự đối với tội phạm môi trường; sớm thông qua pháp lệnh về cảnh sát môi trường, sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) theo hướng cho phép khiếu kiện tập thể, đặc biệt đối với những vụ án môi trường.

Thứ tư, trong bối cảnh sự tham gia của người dân vào việc thực thi QMT còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở, cần tăng cường thực hành dân chủ ở cơ sở và thực hành quyền dân chủ trực tiếp; tăng cường các cơ chế giám sát việc thực thi QMT, bao gồm việc nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị-xã hội và các TCXH. Cùng với sự tham gia giám sát, phản biện của người dân thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, cần tăng cường sự tham gia giám sát, phản biện trực tiếp của người dân vào quá trình ĐTM, nhất là ở cơ sở, địa phương. Cụ thể, sớm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động và vai trò của các hội liên quan đến BVMT nói chung và ĐTM nói riêng.

Thứ năm, QMT là một quyền mới, trong khi trình độ nhận thức và hiểu biết của người dân nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng còn rất hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Hiến pháp 2013 và Luật BVMT 2014, đặc biệt những nội dung về QMT, trách nhiệm của các chủ thể nghĩa vụ trong tôn trọng, bảo vệ và thực hiện QMT, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, TCXH trong việc giám sát thực thi QMT. Trước hết, cần đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho các cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành.

Thứ sáu, tăng cường sự tham gia của các TCXH trong giám sát và BVMT, thực hiện QMT. Các TCXH đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quyền dân chủ của nhân dân cũng như góp phần hiệu quả vào quá trình quản trị môi trường và thực thi QMT của các cơ quan nhà nước.

Cuối cùng, cần xây dựng các cơ chế phối, kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, TCXH và mọi tầng lớp nhân dân trong việc giám sát và BVMT, thực hiện QMT.


 

Tài liệu tham khảo:

Alan Boyle (2010), Human Rights and the Environment: A Reassessment, 18 Fordham Environmental Law Review 471-511. Xem tại: bit.ly/btcs00258

Dinah L. Shelton, Developing Substantive Environmental Rights, 1 J. Hum. Rts. & Env’t. 89 (2000).  Xem tại: http://bit.ly/btcs00259

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh