Bệnh tật đeo đuổi lính cứu hộ vụ 11/9

ThienNhien.Net – Sau sự kiện hai chiếc phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại Manhattan, Tp. New York (Hoa Kỳ) trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, những căn bệnh về thể chất và tinh thần đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở một nhóm lớn các nhân viên cứu hộ khẩn cấp. Và cho dù đã qua 10 năm, những ảnh hưởng về sức khỏe vẫn luôn đeo bám 10 – 30% số nhân viên tham gia cứu hộ trong sự kiện này.

Đây chính là kết luận từ một nghiên cứu mới sau khi khảo sát 27.449 nhân viên cứu hộ khẩn cấp do nhóm nghiên cứu đến từ trường Y Mount Sinai (New York) chủ trì thực hiện.

Được biết, sự kiện 11/9 đã quy tụ hơn 50.000 người tham gia vào quá trình cứu hộ, phục hồi môi trường và dọn dẹp tại vị trí WTC, trong đó bao gồm cả cảnh sát, lính cứu hỏa, công nhân xây dựng và nhân viên đô thị. Nhóm người này đã bị ảnh hưởng bởi khói độc do nhiên liệu phản lực bốc cháy và một đám mây bụi dày pha trộn bụi của thủy tinh sợi, amiăng, chì, những mảnh vụn nguy hiểm và nhiều loại hóa chất khác bị phát tán khi hai tòa tháp sụp đổ. Không những vậy, họ còn rơi vào tình trạng hoảng loạn, căng thẳng cực độ về tinh thần.

Một tháng sau các cuộc tấn công ngày 11/9/2001, lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên cứu hộ tại Trung tâm Thương mại Thế giới đã tạm dừng công việc để tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Gần 10 năm sau, các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục phải chịu đựng những tổn thương về thể chất và tinh thần do vụ tấn công gây ra (Ảnh: Gary Friedman/Los Angeles Times)

Dựa trên mức độ ảnh hưởng bởi vị trí vụ nổ và những mảnh vỡ của nó, nhóm nghiên cứu đã chia các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu thành 4 nhóm. Theo điều tra, 80% số nhân viên cứu hộ là nam giới, 57% là người da trắng và độ tuổi trung bình của họ vào ngày xảy ra các vụ tấn công là 38.

Công trình nghiên cứu kéo dài 9 năm đã chẩn đoán được 27,6% đối tượng mắc bệnh hen suyễn (so với tỷ lệ mắc trước ngày 11/9 là 10,5%), 42,3% mắc chứng viêm xoang (tỷ lệ mắc trước ngày 11/9 là 10,7%) và 39,3% mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (tỷ lệ mắc trước ngày 11/9 là 5,8%).

Đáng lưu ý là các nhân viên cảnh sát ít rơi vào nguy cơ bị tổn thương tinh thần hơn các đối tượng khác, điều này có lẽ xuất phát từ quá trình đào tạo và kinh nghiệm nghề nghiệp giúp họ ứng phó tốt hơn với những tình huống dễ gây tổn thương về mặt tinh thần.

Những nhân viên bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Ground Zero, nơi từng tọa lạc Tòa Tháp Đôi WTC, có tỷ lệ mắc các chứng đa rối loạn cao nhất. Khoảng 10% số nhân viên cứu hộ và phục hồi mắc cả ba chứng hen suyễn, viêm xoang và trào ngược dạ dày thực quản; 18% số người biểu hiện hai trong ba chứng bệnh trên, 69% nhân viên cứu hộ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có tình trạng sức khỏe tương tự, 70% đối tượng mắc bệnh trầm cảm và 72% đối tượng mắc chứng rối loạn hoảng sợ.

Một thập kỷ đã trôi qua nhưng những ảnh hưởng sức khỏe vẫn cứ đeo bám những người lính cứu hộ 11/9, Matthew P. Mauer – Cục Y tế bang New York, chia sẻ. Và theo ông, “chính những phát hiện mới nhất kể trên đã cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra sức khỏe và điều trị cho bộ phận nhân viên cứu hộ, phục hồi môi trường bị ảnh hưởng… đồng thời cần nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc nghiên cứu những ảnh hưởng dài hạn về sức khỏe đối với bất kỳ kế hoạch ứng phó với thảm họa nào trong tương lai”.