Dấu chân lương thực

ThienNhien.Net – Là một phần của dấu chân sinh thái, song khái niệm dấu chân lương thực chưa thực sự được nhiều người biết đến. Hy vọng những lý giải về dấu chân lương thực trong quy trình sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu được phần nào khái niệm này cũng như những tác động của nó tới môi trường sống trên hành tinh của chúng ta.

Khai phá và chuyển đổi

Khó có thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của ngành nông nghiệp đối với môi trường. Nông nghiệp tiêu thụ tới 70% nước ngọt, chiếm tới 38% diện tích đất đai trên toàn cầu, và cũng như nhiều ngành khác, hoạt động nông nghiệp cũng cần phải tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Rất nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp được chuyển đổi từ rừng và các hệ sinh thái tự nhiên khác – vốn đóng vai trò quan trọng hấp thụ CO2 và duy trì vòng tuần hoàn tự nhiên của nước. Kể cả Amazon, cánh rừng mưa lớn nhất thế giới, cũng đang dần biến thành những cánh đồng đỗ tương, còn những khu rừng tự nhiên rộng lớn của Indonexia thì bị thế chỗ bởi các đồn điền dầu cọ. Trung bình mỗi năm, có khoảng 1,7 tỷ tấn các-bon giải phóng vào bầu khí quyển bởi rừng bị mất đi.

Bên cạnh đó, phát thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đóng góp tới 20% lượng khí nhà kính trên toàn cầu. Con số ấy bao gồm cả việc phát quang để lấy bãi chăn thả và lượng phát thải khí mê-tan từ các động vật nhai lại.

Trồng cấy

Hoạt động canh tác giải phóng khí các-bon mà đất lưu trữ được từ bầu khí quyển dưới dạng CO2. Cho dù nhiều  nơi đã  áp dụng những kỹ thuật hiện đại, cải tiến hệ thống tưới tiêu nhưng máy móc, phòng sấy… vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để hoạt động. Các đầu vào giúp tối đa hóa sản lượng cây trồng như phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng góp phần làm tăng tỷ lệ NO2 – một loại khí nhà kính mạnh hơn cả CO2 – trong khí quyển.

Để sản xuất ra các hóa chất này, người ta cũng cần dùng đến nhiên liệu hóa thạch. Ước tính để tạo ra 1 tấn phân đạm cần tới 1,5 tấn dầu. Đó là chưa tính đến những ảnh hưởng khác có liên quan, tỉ dụ như việc thất thoát hay thẩm thấu của phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cũng là một nguồn gieo rắc sự ô nhiễm lên các hệ sinh thái tự nhiên và nguồn nước.

Chế biến 

Thực tế, các quy trình chế biến và đóng gói lương thực đòi hỏi những mức tiêu thụ năng lượng khác nhau. Lò sấy, buồng đông lạnh, quạt làm mát, máy bơm, máy xay xát… đều cần thiết cho việc bảo quản và xử lý các loại lương thực thô cũng như chế biến chúng. Đóng gói nguyên liệu, chẳng hạn như bằng túi nilon sản xuất từ dầu mỏ, vỏ lon hay hộp bìa các-tông, đều làm tăng thêm dấu chân của các loại lương thực đã chế biến.

Một trong những giải pháp mà nghiên cứu của hãng sản xuất bơ sữa Dairy UK đưa ra là tận dụng năng lượng sạch cung cấp điện cho các nhà máy lương thực. Song trên hết, sự hợp tác giữa “bốn nhà”: Sản xuất – Chế biến – Bán lẻ – Quản lý mới thực sự mang tính quyết định đối với việc giảm lượng phát thải trong khâu chế biến.

Vận chuyển

(*) Tạm dịch từ Food miles được hiểu là quãng đường vận chuyển lương thực, thực phẩm từ khi nó được sản xuất đến khi tới tay người tiêu dùng. Đây là phương thức hiệu quả giúp nhìn nhận tác động của lương thực và những thành phần của nó đối với môi trường.

(Theo Wikipedia)

Vài thập kỷ gần đây, đường đi của lương thực, thực phẩm (*) và lượng phát thải các-bon từ khâu vận chuyển lương thực đã gia tăng tỉ lệ thuận với mức độ toàn cầu hóa các thị trường lương thực. Vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng đường không nhanh chóng trở nên phổ biến, mặc dù đa phần vẫn được xuất khẩu theo đường thủy và đường bộ. Tại Vương quốc Anh, hoạt động vận chuyển chiếm 10% lượng phát thải theo chuỗi thức ăn, còn tại Hoa Kỳ, con số này là 11%.

Phân phối

Khoảng 88% lượng lương thực của chúng ta được mua từ các hệ thống siêu thị lớn. Đun nấu, làm mát, đốt nóng và đóng gói là thủ phạm chính trong việc mở rộng hay thu hẹp kích cỡ dấu chân sinh thái.

Vì vậy, sử dụng những tấm rèm, những cánh cửa bao ngoài các hệ thống làm mát và quạt làm mát được điều khiển bằng mô-tơ sẽ giúp giảm bớt nhu cầu năng lượng cho kỹ thuật làm lạnh. Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cũng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực. Chỉ có điều, vấn đề lớn nhất lại nằm ở khâu cung cấp các túi nilon đóng gói, bọc thức ăn. Theo đó, phân phối túi giấy hoặc dùng nguyên liệu dễ bị vi khuẩn phân hủy có thể giúp giảm bớt đáng kể lượng chất thải.

Mua hàng

Ở khâu này, lượng phát thải tăng lên theo xu hướng phát triển của các siêu thị vùng ngoại ô do con người phải lái xe để đi đến điểm bán hàng. Thay vì thế, đi bộ hoặc đạp xe tới các cửa hàng địa phương hoặc đi bằng các phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp cắt giảm lượng phát thải. Đồng thời, việc hạn chế lấy thức ăn đóng gói và sử dụng các loại túi đựng hàng không phải nilon được nhiều người khuyến khích thực hiện.

Quan trọng hơn, giảm lượng tiêu thụ thịt và bơ sữa sẽ làm thu hẹp dấu chân lương thực của từng cá nhân. Một nghiên cứu năm 2005 đã khẳng định rằng, về phương diện phát thải, khác biệt giữa nhóm người tiếp nhận 35% năng lượng từ các nguồn động vật và một người ăn chay cũng giống với khác biệt giữa việc lái một chiếc SUV và một chiếc xe hơi 4 cửa hạng trung.

Tiêu thụ

Dấu chân lương thực từ mua, chế biến và tiêu thụ lương thực sẽ do người tiêu dùng quyết định. Nếu mua theo mùa ngay tại địa phương có thể giảm phát thải từ khâu vận chuyển, còn nếu mua ít lương thực qua chế biến hơn đồng nghĩa với việc tiêu thụ ít năng lượng hơn. Đáng lưu ý, các lương thực hữu cơ có nguồn gốc bền vững cũng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng giảm dấu chân lương thực.

Thêm một thực tế nữa là việc làm lạnh, nấu ăn, rửa bát đĩa đều gây tổn hại đến các nguồn tài nguyên trên thế giới. Do đó, chúng ta nên sử dụng bếp ga và lò vi sóng thay vì dùng bếp điện vì chúng tiết kiệm năng lượng hơn; nên đậy nắp lên chảo khi đang sôi để giảm bớt lượng tiêu tốn năng lượng. Và bằng cách không lãng phí lương thực, người tiêu dùng cũng có thể giảm nhu cầu về nước cũng như năng lượng.

Xả rác

Xử lý chất thải từ lương thực không chỉ ngốn nhiều nước và nhiên liệu hóa thạch, mà còn gây phát thải mê-tan và CO2 từ các bãi rác. Riêng lượng rác thải lương thực của Hoa Kỳ tính tại thời điểm năm 2003 đã đạt tới con số 150 nghìn tỷ calo/năm, đủ để nuôi sống 2 tỷ người. Người tiêu dùng ở Vương quốc Anh và Nhật Bản cũng lãng phí tới 1/3 lượng lương thực có thể ăn được.

Quả thực, việc đóng bao bì lớn hơn khiến khách hàng hầu như không thể tính toán được số lương thực họ cần. Lượng thừa mứa ra sẽ biến thành rác thải mà rất ít khi được tái chế hoặc chuyển thành phân hữu cơ. Đặc biệt, chiêu khuyến mãi mua một tặng một và nỗi ám ảnh về hạn sử dụng của sản phẩm càng tăng thêm nguy cơ này. Bởi vậy, cả ngành lương thực và người tiêu dùng đều cần giảm bớt những thói quen lãng phí thông qua ba bước: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Làm sao nuôi sống nhân loại mà không phá hủy Trái đất?