Làm sao nuôi sống nhân loại mà không phá hủy Trái đất?

ThienNhien.Net – Tác động lớn nhất của con người đối với Trái đất đến từ chính hoạt động sản xuất lương thực. Ước tính tới năm 2050, thế giới sẽ có thêm 2 – 3 tỷ người với lượng tiêu thụ lương thực gấp đôi hiện nay và khoảng 70% dân số sẽ sống ở các đô thị. Và nếu như vậy thì năm 2050, chúng ta sẽ cần tới ba Trái đất mới mong đáp ứng được mức tiêu thụ trên. Do đó, mấu chốt của vấn đề là phải sớm tìm ra cách gia tăng sản lượng lương thực để có thể nuôi sống từng ấy người mà không phá hủy hành tinh, làm tổn hại tới đa dạng sinh học.

Theo ước tính, 70% số đất thích hợp cho sản xuất lương thực đã được sử dụng hoặc nằm ở dạng các khu bảo tồn. Lượng đất canh tác tăng lên 0,4% mỗi năm, liên tục 50 năm gần đây và cái giá phải trả là tình trạng mất dần các môi trường sống tự nhiên. Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, khi các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh hơn (tăng 0,6%) thì đi kèm với nó, mức độ đa dạng sinh học cũng bị tổn hại ngày một nhiều.

(*)Khái niệm Dấu chân lương thực được xây dựng dựa trên khái niệm dấu chân sinh tháiDấu chân lương thực dùng để đo lường:

– Lượng đất sử dụng cho sản xuất lương thực.

– Diện tích đất cần thiết để hấp thụ lượng CO2 phát thải trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch. Đó là diện tích rừng lẽ ra có thể cô lập khí thải CO2 từ tiêu thụ năng lượng.

– Diện tích mặt nước dùng cho nghề cá.

(Theo Sustainablefood.com)

Nhìn lại lịch sử, rõ ràng công nghệ đã giúp con người hạn chế dấu chân lương thực (*). Trong hai thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX – thời kỳ diễn ra cuộc “cách mạng xanh”, năng suất nông nghiệp đã tăng nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số và lượng tiêu thụ; sự mở rộng diện tích cho nông nghiệp cũng chậm lại, thậm chí còn tạm dừng ở nhiều nơi. Song ngày nay, công nghệ đang tụt lại đằng sau mức tăng dân số cũng như lượng tiêu thụ, đòi hỏi con người cần nhanh chóng cải tiến công nghệ.

Tất nhiên rồi tất cả chúng ta đều sẽ nhận thấy hậu quả của một hành tinh “ốm yếu”, nhưng gánh nặng lớn nhất vẫn rơi vào các khu vực đang phát triển, đặc biệt là châu Phi. Vừa qua, tác động của giá lương thực tăng cao đã khơi mào cho xung đột chính trị tại Tunisia, Algeria và Ai Cập. Lục địa chứa đựng nhiều nhân tố phức tạp này vì vậy nên được lựa chọn là nơi đầu tiên ứng dụng các giải pháp nuôi sống cả hành tinh.

Cần nhanh chóng tìm giải pháp giúp gia tăng sản lượng lương thực mà không gây phá hủy hành tinh này (Ảnh minh họa: Zunia.org)

Với những kinh nghiệm khi làm việc cùng nhóm nông dân ở Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi, Jason Clay thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đề xuất giải pháp ổn định dấu chân lương thực thông qua 8 chiến lược lương thực mà nếu áp dụng cùng lúc trên toàn cầu sẽ giúp cải tiến đáng kể hệ thống lương thực và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Hiện WWF và các đối tác của tổ chức này đang trực tiếp hỗ trợ nghiên cứu di truyền học, giải quyết thất thoát lương thực và vấn đề các-bon nông nghiệp.

8 chiến lược lương thực

Di truyền học (gen): Thực tế, chúng ta có 10 loại cây trồng chủ lực đang cung cấp tới 70 – 80% tổng lượng calo tiêu thụ nên cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2050 là nhân đôi sản lượng lương thực, thậm chí là nhân đôi sản lượng của cả 10 loại cây trồng, bằng cách tập trung vào di truyền học, miễn là ta áp dụng nó một cách hợp lý, có trách nhiệm. Dù rằng nảy sinh rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề biến đổi gen, song việc sử dụng công nghệ di truyền thông qua phương pháp gây giống thực vật truyền thống nhằm chọn lọc ra những điểm nổi trội, những kỹ thuật được con người sử dụng hơn 6.000 năm nay vẫn chứa đựng một tiềm năng lớn.

Ở châu Phi, các loại cây lương thực chủ yếu như khoai lang, chuối và sắn thường bị các nhà gây giống thực vật coi nhẹ. Bộ di truyền của những loại cây này nên được bản đồ hóa như bước đi khởi đầu hướng tới những giải pháp gấp đôi, thậm chí gấp ba năng suất lương thực, cải thiện sức chống chịu hạn hán, bệnh tật cũng như hàm lượng dinh dưỡng toàn phần.

Cải tiến tập quán canh tác: Bất kể với loại cây trồng nào, những nhà sản xuất hiệu quả nhất trên toàn cầu vẫn đạt sản lượng cao hơn gấp 100 lần các nhà sản xuất yếu kém nhất. Ngay cả ở cấp quốc gia, các nhà sản xuất vẫn có thể tạo ra năng suất gấp 10 lần những láng giềng của họ.

Tại châu Phi, phải mất rất nhiều thời gian để truyền bá những tập quán canh tác tốt hơn trong cộng đồng sản xuất nông nghiệp. Lâu nay, người nông dân luôn học từ cha mẹ họ và từ những “đồng nghiệp” của họ. Bản thân các chính phủ lại rất ít đầu tư cho việc giáo dục người nông dân. Giờ đây, thông qua điện thoại di động, phương tiện đang trở nên phổ biến với nhiều nông dân châu Phi, chúng ta có thể giúp họ kết nối với một cổng thông tin chung, tạo điều kiện để một cá nhân giúp đỡ được nhiều người trong cộng đồng.

Nâng cao hiệu quả thông qua công nghệ: Chúng ta cần nhân đôi hiệu quả sử dụng các nguyên liệu đầu vào nông nghiệp, bao gồm nước, phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Hiện tại, cứ 1 lít nước sẽ tạo ra 1 calo lương thực. Nếu giảm một nửa lượng nước sử dụng và nhân đôi sản lượng lên, hiệu quả đạt được sẽ gấp bốn lần bình thường. Công nghệ ra đời chính là để làm điều này và những nhà sản xuất hiệu quả nhất có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Ở châu Phi, nhiều công nghệ đã tồn tại cách nay hai, ba thế hệ. Và nơi lý tưởng để bắt đầu triển khai công nghệ là đất. Gia tăng chất hữu cơ có thể cải thiện độ màu mỡ của đất, nhân đôi sản lượng và giảm một nửa lượng nước sử dụng cùng những nguyên liệu đầu vào khác. Bên cạnh đó, phương thức đo đạc, tính toán cũng rất quan trọng, để đo đạc khoảng cách giữa các cây trồng, giữa các hàng, tính toán lượng phân bón và ước định thời gian…

Phục hồi đất thoái hóa: Thay vì canh tác, trồng trọt ở những vùng đất mới, chúng ta cần phục hồi đất đai bị xuống cấp, bỏ hoang hoặc đất kém chất lượng. Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 nên là phục hồi 100 triệu héc-ta và năm 2050 nên là 250 triệu héc-ta. Điều này có nghĩa là không những cần chấm dứt tình trạng xói mòn và xuống cấp mà còn cần đảo ngược tình thế, nâng cao chất lượng đất.

Hầu hết đất canh tác của châu Phi trong thế kỷ qua đều bị xuống cấp do những tập quán canh tác lỗi thời ra đời khi mật độ dân số thấp hơn. Tuy nhiên, Ethiopia và Nam Phi đã chỉ ra rằng việc phục hồi có thể thành hiện thực. Cả hai nước đều đang hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn xói mòn đất và kết hợp trồng cây, cỏ cùng các giống cây trồng để dần bổ sung chất hữu cơ cho đất.

Trao quyền sở hữu: Nông dân sẽ trồng cây hoặc đầu tư một cách bền vững như thế nào nếu không có quyền sở hữu đất, chẳng phải riêng họ mà tiếp đến sẽ là con cái họ? Thiếu quyền sở hữu là rào cản lớn đối với an ninh lương thực châu Phi, nhất là những hộ nhiều nữ giới, vốn chiếm phần lớn trong số các hộ nông nhỏ. Vì vậy, hướng tới năm 2020, chúng ta nên đặt mục tiêu 50% số hộ ở châu Phi có quyền làm chủ đối với đất đai mà họ đang trồng cấy.

Tất nhiên việc thay đổi sẽ không hề dễ dàng bởi các quyền sở hữu đều nằm dưới sự kiểm soát của các chính phủ. Theo đó, nguồn hỗ trợ nước ngoài cho phát triển kinh tế nên liên kết với quá trình thiết lập các quyền sở hữu cho cá nhân.

Giảm thất thoát và lãng phí lương thực: Ước tính, con người gây lãng phí tới 30 – 40% lượng lương thực sản xuất được trên toàn cầu, nói cách khác cứ 3 calo lại có 1 calo bị thất thoát. Nếu có thể loại trừ thất thoát, chúng ta sẽ giảm được một nửa lượng lương thực cần dùng vào năm 2050.

Ở những nước giàu, phần lớn lương thực bị lãng phí bởi đối tượng tiêu dùng. Còn riêng ở châu Phi, đa phần lương thực bị thất thoát là do những tổn thất sau thu hoạch và thiếu cơ sở hạ tầng. Giải pháp có thể nghĩ đến là một nông cụ có thể tích trữ khoảng 1 tấn lương thực, vừa để bảo quản vừa để chờ thời điểm tiêu thụ thuận lợi khi giá thị trường được cải thiện.

Một tỷ người không có đủ lương thực để ăn trong khi 1 tỷ người khác lại thừa mứa (Ảnh minh họa: Stthomasvancouver.ca)

Giải quyết tồn tại ở khâu tiêu thụ: Trong khi 1 tỷ người không có đủ lương thực để ăn thì 1 tỷ người khác lại thừa mứa. Vì thế, tới năm 2030, chúng ta cần cắt giảm một nửa những con số ấy, tập trung hỗ trợ các cộng đồng thiếu ăn do không có đất hoặc không tự sản xuất được lương thực.

Hiện có khoảng 40% trẻ dưới 5 tuổi ở cận Sahara châu Phi bị suy dinh dưỡng, nếu cứ như vậy thì khả năng, thu nhập và tuổi thọ của chúng cũng sẽ giảm theo. Được biết, lá của nhiều loại cây trồng phổ biến ở châu Phi, như sắn, khoai lang và rau dền, chứa rất nhiều dinh dưỡng, nhưng thường không có mặt trong số những loại lương thực truyền thống. Giờ đây, chúng ta nên dùng chúng để tăng thêm chất bột trong các bữa ăn.

Các-bon: Các-bon trong đất – hay chất hữu cơ – là mấu chốt để bảo tồn đất canh tác cho các thế hệ tương lai. Quả thực, phương pháp phục hồi đất tốt nhất là gia tăng chất hữu cơ từ dưới 0,5% đến 2% hoặc nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, một nửa số đất giàu các-bon nhất thế giới đã bị mất dần trong suốt 150 năm qua.

Một số nhà phân tích cho rằng kể từ những năm 1960, mỗi năm châu Phi lại mất đi 1% chất hữu cơ trong đất. Hiện tượng suy thoái đất trồng tại “lục địa đen” có vẻ trầm trọng hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, khiến sản lượng ngày càng thấp hơn, việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào (như phân bón, nước) trở nên kém hiệu quả hơn. Hoạt động đốt đồng càng làm giảm chất hữu cơ trong đất. Thực tế, tập quán nông nghiệp này có thể chấp nhận được khi đất đai còn màu mỡ và bị bỏ hoang trong nhiều năm. Song, với lượng dân cư đang tăng lên và các khu vực đất canh tác đang bị thu hẹp thì tập quán trên cần sớm thay đổi.

Hai cách tiếp cận khác sẽ giúp người châu Phi bảo vệ đất đai của họ. Đầu tiên là gia tăng các giống cây trồng và cỏ rễ sâu. Cây, cỏ tạo ra các-bon trong đất và giảm xói mòn, tăng sản lượng và hiệu suất của các nguyên liệu đầu vào.

Thứ hai, chúng ta cần các thị trường các-bon cho nông nghiệp. Những nhà bán lẻ hay những công ty có thương hiệu mua đường, sữa, cà phê, cô-ca hay dầu cọ đều có thể mua lượng các-bon mà người nông dân đã cô lập được hoặc tránh phát thải trong quá trình sản xuất. Các-bon sẽ có thể là mặt hàng được chứng nhận và tập kết tại một nhà máy hoặc một hộ buôn bán. Mục tiêu đối với các nhà sản xuất lương thực đến năm 2030 là phải bán được 1 tỷ tấn các-bon mỗi năm. Điều này sẽ làm cho sản xuất lương thực trở nên bền vững hơn và đảm bảo an toàn về mặt tài chính cho các nhà sản xuất hơn.

Hiện nay, đa số nông dân châu Phi không thể sản xuất đủ để nuôi sống gia đình họ. Và thực tế chẳng bao giờ có chiến lược riêng lẻ nào giải quyết được vấn đề lương thực toàn cầu hay chỉ là đảm bảo đủ lương thực cho châu Phi. Tuy nhiên, nếu chung tay gắng sức, kết hợp áp dụng những cải tiến trên diện rộng, chúng ta có thể nuôi sống thế giới này mà không phá hủy cả hành tinh.