Căn cứ mới định hướng quy hoạch tài nguyên các địa phương ven biển

ThienNhien.Net – 155 huyện ven biển, huyện đảo của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được điều tra về số lượng và chất lượng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất.

Chất lượng đất đáp ứng được nhu cầu phát triển

Theo kết qủa điều tra của Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực tiếp giáp biển (bao gồm 120 huyện giáp biển, 12 huyện đảo và 23 huyện chịu tác động mạnh của biển) với tổng diện tích phần đất liền khoảng gần 6 triệu ha.

Chất lượng đất đáp ứng nhu cầu phát triển (Ảnh minh họa: drvn.gov.vn)

Đến nay, 93% diện tích này đã được đầu tư khai thác sử dụng cho các mục đích dân sinh, kinh tế.

Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 32%, diện tích đất có rừng chiếm 35%, diện tích được dùng trong nuôi trồng thủy sản chiếm 9%. Số diện tích còn lại bao gồm đất làm muối, đất làm khu công nghiệp, nhà ở, đất chuyên dùng… Ngoài ra, còn có hơn 4 triệu ha diện tích đất đặc thù ngoài bãi triều và mặt nước ven biển.

Theo kết quả phân tích 4.000 mẫu đất và mẫu nước trải đều ở 5 vùng ven biển, toàn vùng có 54,6% (2,7 triệu ha) là đất có chất lượng trung bình, 29,8% (1,5 triệu ha) là đất có chất lượng thấp, còn lại 15,6% (788.000 ha) là đất chất lượng cao.

Định hướng phát triển đến năm 2020, toàn vùng có 1,6 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, 2,1 triệu ha đất lâm nghiệp, 558.000 ha đất nuôi trồng thủy sản và 1,2 triệu ha đất phi nông nghiệp.

Theo tính toán, các vùng ven biển và hải đảo sẽ bảo đảm đất đai cho 20 khu kinh tế ven biển, 27 cảng biển nước sâu và 125 khu du lịch biển. Ngoài ra, cũng sẽ dành 2,3 triệu ha diện tích cho phát rừng, trong đó có 260.000 ha rừng ngập mặn nhằm bảo đảm đa dạng sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa điều tra và quy hoạch tài nguyên đất, tài nguyên nước cùng với các giải pháp hữu hiệu để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở vùng ven biển và các hải đảo.

Kiểm soát an ninh nguồn nước mặt ven biển

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, nhìn tổng quát toàn vùng ven biển Việt Nam thì nguồn nước mặt ở các thủy vực ven biển duyên hải Nam Trung Bộ có chất lượng tốt nhất. Khu vực có nguồn nước với chỉ số ô nhiễm cao nằm ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long và nguồn nước ven biển thuộc tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Kiểm soát an ninh vùng nước mặt ven biển (Ảnh minh họa: biendao.org)

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước mặt ven biển dành cho hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt của con người ở các vùng là rất lớn.

Cụ thể, vùng đồng bằng Bắc Bộ là 12,3 tỷ m3/năm, vùng Bắc Trung bộ là 12,8 tỷ m3/năm, vùng Nam Trung bộ là 5,8 tỷ m3/năm, vùng Đông Nam Bộ là 1,7 tỷ m3/năm và vùng đồng bằng sông Cửu Long là 96,3 tỷ m3/năm. Nhu cầu sử dụng lượng nước ngầm của các vùng ven biển và hải đảo năm 2020 vào khoảng 7 triệu m3/ngày.

Các kết quả điều tra về đất và nước nói trên sẽ là căn cứ để xác định và hệ thống hóa số liệu cơ bản về số lượng và chất lượng, đồng thời định hướng quy hoạch sử dụng tài nguyên của các địa phương ven biển đến năm 2020.