Khí tự nhiên không giúp đẩy lùi biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng khí tự nhiên không phải là “thần dược vạn năng” có thể chống biến đổi khí hậu.

Cũng theo nghiên cứu này thì tới năm 2035, khí tự nhiên có khả năng đóng góp khoảng ¼ nguồn cung năng lượng thế giới, song nó cũng sẽ là tác nhân khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3,50C.

“Tuy là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, nhưng về bản chất, khí tự nhiên vẫn là một loại nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù tần số sử dụng khí đốt hiện đang gia tăng và có vẻ như loại nhiên liệu này đang “áp đảo” các loại hình nhiên liệu các-bon thấp như nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu hạt nhân, nhất là sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) hồi tháng 3 vừa qua; song chỉ riêng khí tự nhiên sẽ không thể giúp ngăn chặn, đẩy lùi biến đổi khí hậu” – ông Nobuo Tanaka, Giám đốc điều hành IEA, phát biểu tại một buổi họp báo diễn ra ở London (Anh).

Còn Fatih Birol, nhà kinh tế học, chuyên gia hàng đầu về năng lượng và khí hậu của IEA, lại bày tỏ quan ngại rằng: “Nếu giá khí đốt giảm sẽ gây áp lực cho các chính phủ, buộc họ phải rà soát lại các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo hiện hành. Theo đó, nhiều dự án năng lượng tái tạo có thể bị gác lại”.

Khí tự nhiên không phải là “thần dược vạn năng” chống biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa: Oli Scarff/ Gettyimages.com)

Vì không phải “thần dược” chống biến đổi khí hậu nên một khi cố công theo đuổi hoài bão tạo dựng “kỷ nguyên vàng” của khí tự nhiên thì loại nhiên liệu hóa thạch này có thể sẽ đi ngược lại mục tiêu mà loài người vốn kỳ vọng. Một mặt, nó không giúp hạn chế biến đổi khí hậu, mặt khác còn dẫn tới phá hủy môi trường.

Tất nhiên, thật khó lòng phủ nhận lợi thế của việc sử dụng khí tự nhiên so với một số dạng nhiên liệu khác nhờ giá cả thấp hơn, lượng phát thải ít hơn hay khả năng cung cấp dồi dào hơn, song theo Birol, hoạt động khai thác các nguồn khí đốt cũng cho thấy những tác động đối với môi trường. Ở Hoa Kỳ, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước gần các địa điểm có khí đốt từ đá phiến và các khu vực bị rò rỉ khí đốt đang dấy lên quan ngại. Riêng ở Anh quốc vừa qua đã xảy ra hai trận động đất nhỏ gần khu vực khai thác khí đốt đá phiến của một công ty.

Thêm nữa, lâu nay người ta vẫn tin là đốt khí chỉ tạo ra lượng CO2 bằng một nửa so với hoạt động đốt than đá, nhưng một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Cornell lại cho rằng điều này không hẳn đúng cho mọi trường hợp. Trở ngại trong quá trình sử dụng kỹ thuật thủy lực (fracking) để khai thác khí đốt đá phiến có thể còn gây phát thải nhiều hơn than đá.

Như vậy, rõ ràng trong tương lai, thế giới không thể chỉ dựa vào khí tự nhiên mà cần phải tiếp tục đầu tư vào các dạng nhiên liệu tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu suất năng lượng, kết hợp với hoạt động thu hồi, lưu giữ các-bon mới mong từng bước đẩy lùi biến đổi khí hậu.