Khi hương ước mạnh hơn… quy hoạch

ThienNhien.Net – Từng nghe không ít chuyện kể về việc giữ đất, giữ rừng bằng hương ước nhưng hiếm câu chuyện nào lại thể hiện sự đồng lòng và quyết liệt như chuyện của người dân tộc Tày, Nùng ở thôn Bắc Dài, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Không chỉ nhiều lần đấu tranh bền bỉ, người dân và cán bộ địa phương nơi đây còn tẩy chay cả dự án đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm mong giữ lại từng thước đất, hàng cây như lời thề đã định.

Thủy chung với đất với rừng

Cánh đồng Bản Um - Pác Háo vẫn được bà con trồng cấy, chăm nom

Ở Bắc Dài, khắp từ già tới trẻ, không ai là không biết tới hương ước bất thành văn “không được đào đất ruộng đãi vàng, không được chặt cây phá rừng, kiên quyết không để người ngoài lấy đất, lấy rừng để khai thác vàng và gỗ quý”. Và có lẽ cũng chính nhờ hương ước thiêng liêng ấy mà từ bao đời nay, người dân Bắc Dài vẫn giữ được gần như nguyên vẹn diện tích đất và rừng do ông cha để lại.

Cũng bởi vậy mà đất đai ở Bắc Dài chưa bao giờ phụ lòng người, sự trù phú của mảnh đất hiện rõ trên từng cánh đồng lúa vàng óng, từng nương ngô xanh mướt, khắp thôn bản đâu đâu cũng thấy lúa, ngô chất đầy. Người dân hiểu rằng, giá trị mà họ gìn giữ bấy lâu nay đã được đền đáp xứng đáng, họ không mong gì hơn một vụ mùa bội thu, sung túc, dù biết rằng ngay dưới mảnh đất ông cha rất có thể sẽ có cả một kho vàng tồn tại từ nhiều năm về trước.

Bà con trong thôn tâm sự, theo các cụ đời trước kể lại thì cánh đồng Bản Um – Pác Háo có rất nhiều vàng. Trước đây, khi đào mấy gốc tre bên cạnh cánh đồng Pác Háo còn thấy cả hầm chôn dao và kiếm đúc bằng vàng, đồng có niên đại từ xa xưa. Thời Pháp thuộc, dòng suối ở đây cũng bị khai thác lộ thiên để lấy vàng. Mới đây, đàn vịt của dân bản thả trên dòng suối Bản Um ăn phải cả kim loại vàng nên khi mổ ra người ta thấy nguyên cả hạt vàng trong đó.

Tất nhiên, cả thôn bản đều không ai màng tới chuyện đó bởi với họ, tiền bao nhiêu tiêu cũng hết, chỉ có đất đai là ở lại với mình. Cụ Nông Văn Tuấn và Nông Thị Liên cho biết: “Chúng tôi sống cả đời ở đây, thuộc từng bờ ruộng, đoạn suối nông sâu nhưng đất chỗ nào có vàng thì dân bản không ai quan tâm. Từ khi còn nhỏ, cha mẹ, người già trong bản đã răn dạy không được đào đất ruộng, đào lòng suối tìm vàng, ai vi phạm thì bị phạt nặng và đuổi ra khỏi làng. Vì thế, từ xưa đến nay trên các cánh đồng chưa ai dám đào một hố nào để tìm vàng”.

Không có vàng, dân vẫn no đủ

Trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1998, Bắc Dài từng xuất hiện nhiều đoàn người từ khắp nơi kéo đến để tìm kiếm vàng. Họ đào đất và xới tung mọi ngóc ngách nhưng sự đấu tranh kiên quyết của dân bản đã khiến các nhóm “vàng tặc” phải ra đi trong nuối tiếc.

Đến tháng 1/2009, Bắc Dài nhận được quyết định như “trời giáng” khi hay tin Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý để Công ty cổ phần chuyển giao công nghệ quốc tế ASEAN (trụ sở tại Hà Nội) được thuê gần 13 ha đất ruộng tại Bản Um – Pác Háo để khai thác vàng. Kèm theo đó là các điều kiện và lời hứa về việc đền bù, hoàn thổ, tạo công ăn việc làm cho bà con…

Tuy nhiên, ngay trong buổi họp đầu tiên, cả thôn bản đã kịch liệt phản đối và tất cả đều kiên quyết giữ vững lời thề hương ước bởi họ hiểu chỉ có đồng ruộng màu mỡ và dòng suối trong xanh mới có thể đem lại cuộc sống lâu dài. Tiền đền bù ăn rồi cũng hết. Ruộng bị đào không biết tới khi nào mới khôi phục lại được. Ý nghĩ tưởng chừng như đơn giản nhưng rất chân thực và đầy tính thuyết phục, thể hiện sự đồng lòng và tinh thần bền bỉ của bà con.

Cũng bởi vậy mà ngay sau buổi họp, cả thôn bản đã cùng nhau làm đơn kiến nghị lên chính quyền xã, kiên quyết không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của dự án.

Đại diện của thôn, ông Nông Quang Hướng, trưởng thôn Bắc Dài chia sẻ: “Cả làng không ai đào vàng và nhận tiền đền bù của công ty khai thác nhưng cuộc sống của mọi người vẫn no đủ. Nếu thiếu vốn, bà con vay ngân hàng chính sách xã hội, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Làng có 84 hộ thì hầu như hộ nào cũng sắm được công nông, máy cày, máy bừa hoặc máy gặt đập. Nước suối chảy quanh năm nên có thể kết hợp trồng tới 2 – 3 vụ ngô, lúa mỗi năm. Đất đai trù phú, lương thực dư thừa, chăn nuôi phát triển, không ít gia đình đã trở nên khá giả, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Riêng vụ mùa này, mỗi gia đình có thể thu hoạch từ 2 – 5 tấn ngô nên lò sấy nhà nào cũng sẽ đỏ lửa cả ngày…”.

Thà cách chức chứ không chịu “hiến” đất

Ông Tô Đình Hải, Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Kim dẫn phóng viên đến cánh đồng Bản Um - Pác Háo, nơi được kháo là có mỏ vàng và là nơi khởi nguồn của câu chuyện khai thác đầy tranh cãi.

Đó là câu chuyện kể về ông Tô Đình Hải, Phó Bí thư xã Tam Kim, nguyên Chủ tịch UBND xã. Khi nhận được quyết định về việc thu hồi 13ha đất ở cánh đồng Bản Um – Pác Háo để giao cho công ty khai thác, ông từng rất phân vân bởi một bên là hương ước lâu đời, bên kia là trách nhiệm công việc.

Ông tâm sự, từ năm 2008 đã có một đoàn xe kéo đến cánh đồng Bản Um – Pác Háo chỉ chỏ, đo đạc đất ruộng nhưng không thông báo với chính quyền xã. Người dân hỏi thì họ nói đo đất để cấp sổ đỏ cho dân. Mãi về sau, trong một dịp đi công tác tại thị xã Cao Bằng, ông mới té ngửa nhóm người đó tới đo đất để phục vụ dự án khai thác vàng ở Bắc Dài trong vòng 2 năm. Điều khiến ông băn khoăn là tại sao một dự án lớn như vậy mà tỉnh không hề thông báo cho xã.

Cũng theo ông Hải, để thuận lợi cho việc khai thác, Công ty ASEAN đã không ít lần cử người tới tận nhà ông để làm công tác “dân vận” kèm theo quà và phong bì, nhưng rút cục đều bị ông từ chối. Huyện cũng mời ông lên giải thích nhiều lần nhưng lần nào ông cũng giữ vững lập trường không vận động bà con nhận tiền thuê đất giải phóng mặt bằng như quyết định dù có bị cách chức.

Không riêng ông Hải mà ngay cả ông Nông Văn Tuyền, bí thư chi bộ thôn Bắc Dài khi đó cũng quyết định làm đơn xin từ chức để phản đối việc tỉnh lấy đất nông nghiệp của dân giao cho doanh nghiệp.

Bản thân phía huyện và xã không ít lần chịu sức ép khi bị cấp trên hối thúc việc thuyết phục người dân nhận tiền giải phóng mặt bằng nhưng sự kiên quyết của lãnh đạo xã Tam Kim và thôn Bắc Dài khiến việc triển khai dự án của Công ty ASEAN liên tục bị trì hoãn.

Giữa năm 2009, phía Công ty ASEAN mời cả lãnh đạo xã và bà con đi tham quan mô hình hoàn thổ tại những điểm khai thác quặng đã hết hiệu lực tại tỉnh Bắc Kạn – tựa như một sự cam kết gián tiếp rằng bà con hãy yên tâm về mảnh đất của mình, rằng chúng tôi sẽ hoàn thổ, rằng sẽ phục hồi môi trường sau khai thác…, nhưng người dân Bắc Dài không mấy mặn mà. Điều mà họ luôn mong mỏi là việc UBND tỉnh sớm phê duyệt việc cấp đổi hoặc bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ và cá nhân đã bị thu hồi đất để phục vụ dự án.

Kiến nghị hoàn tiền cho dự án

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, Dự án khai thác vàng tại Bản Um- Pác Háo được thực hiện theo cơ chế đấu giá và Công ty cổ phần chuyển giao công nghệ quốc tế ASEAN đã trúng đấu giá theo Quyết định số 1569/QĐ- UBND ngày 29/8/2008 của UBND tỉnh với mức nộp ngân sách 6 tỷ đồng.

Ngày 5/11/2008, UBND tỉnh ra quyết định về việc thu hồi đất khai thác khoáng sản tại điểm vàng Bản Um – Pác Háo với diện tích thu hồi 12,848 ha. Đến 14/01/2009, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 65/QĐ- UBND cho phép Công ty ASEAN được thuê 12,848 ha đất trong vòng 2 năm. Tính đến nay, thời hạn cấp phép của dự án đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ ngày 8/11/2010, Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh đã có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh về trường hợp khai thác vàng sa khoáng của Công ty ASEAN tại điểm vàng Bản Um- Pác Háo theo hướng trả lại tiền thuế khoán (4,2 tỷ đồng) mà Công ty này đã nộp cho tỉnh cộng thêm phần lãi suất ngân hàng tính theo thời điểm, nhưng hiện tỉnh vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XIV tổ chức ngày 8/12/2010, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Cao Bằng trong buổi trả lời chất vấn cũng đã đưa ra kiến nghị nên tổ chức một cuộc họp tham vấn với sự tham gia của doanh nghiệp, nhân dân trong vùng, đại diện chính quyền xã, đại diện chính quyền huyện, các cơ quan liên quan để doanh nghiệp một lần nữa trình bày lại phương án khai thác, phương án bảo vệ môi trường, phương án bồi thường cho dân…, đồng thời tổng hợp ý kiến tham gia của các thành phần liên quan. Kết hợp nội dung cuộc họp với kiến nghị của Đoàn kiểm tra tỉnh đã nêu, UBND tỉnh sẽ xem xét và đưa ra quyết định đối với việc thực hiện dự án, sau đó sẽ có thông báo đến huyện, xã và nhân dân.

Vậy nhưng, đã hơn 7 tháng trôi qua, lãnh đạo xã Tam Kim và người dân xóm Bắc Dài vẫn chưa nhận được bất kỳ công văn hay giấy mời về việc triệu tập cuộc họp như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND tỉnh cũng chưa có bất cứ động thái gì về việc sẽ cấp đổi hoặc cấp bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cá nhân đã bị thu hồi đất phục vụ dự án dù hiệu lực dự án đã hết hạn từ lâu.