Bới tung đất rừng tìm quặng giữa thanh thiên

ThienNhien.Net – Hơn một năm sau ngày xảy ra sự cố lũ bùn do bể chân đập chứa chất thải quặng của một xí nghiệp, những tưởng xóm Nà Lũng, Nà Đoỏng thuộc xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã tìm được sự bình yên vốn có. Nhưng mảnh đất giàu tài nguyên này nay lại đang thu hút “quặng tặc” hoành hành. Sau khi truy quét khắp các huyện Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Thạch An… của tỉnh Cao Bằng, cơn lốc “quặng tặc” tiếp tục đổ bộ sang các xóm nhỏ của xã Duyệt Trung trong khoảng hai tháng trở lại đây.

Tấp nập khai thác

Thật dễ dàng để tận mục sở thị cảnh khai thác tấp nập của hàng trăm “quặng tặc” với đủ các loại phương tiện từ thô sơ tới hiện đại như máy xúc, ô tô, xe máy, cuốc, xẻng… khi men theo con đường đất đỏ trên những quả đồi của xóm Nà Lũng và Nà Đoỏng. Dấu vết hoang tàn lộ rõ trên mỗi điểm khai thác, tại nhiều khu vực, đất đá bị xới tung, chất đống cao ngút, màu đỏ oạch…

Con đường vận chuyển quặng về nơi tập kết ở xóm Nà Lũng, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

Theo người dân địa phương, hoạt động khai thác quặng diễn ra rầm rộ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, hầu hết các điểm khai thác đều nằm trên diện tích đất rừng được giao cho dân quản lý, bảo vệ. Bởi vì, bên cạnh một số hộ kiên quyết đấu tranh thì không ít hộ lại bắt tay với “quặng tặc” nhằm đạt được thỏa thuận chung chi về quyền lợi.

Gia đình ông Bế Ích Đông, trú tại xóm Nà Lũng là một trong những hộ không ủng hộ “quặng tặc”. Ông cho biết, khoảng hai tháng trở lại đây, có rất nhiều người từ nơi khác đến đào bới lấy quặng rồi thu gom chở đi. Họ còn cho cả máy xúc đào lấn sang phần đất của gia đình ông. Dù đã làm đơn gửi chính quyền xã nhưng ông vẫn chưa thấy ai can thiệp giùm.

Không chỉ “tấn công” đất đồi, “quặng tặc” còn đào bới cả những khu đất công cộng bị bỏ hoang lâu ngày. Khu đất của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (thị xã Cao Bằng) là một trong số đó. Từ khi có quyết định giải thể vào năm 2010, Trung tâm có ít người lui tới hơn. Lợi dụng sơ hở này, “quặng tặc” đã vào tận vườn của Trung tâm đào bới, để lại hàng chục hố sâu hoắm, nham nhở.

Người dân móc nối với quặng tặc

Hoạt động khai thác quặng trái phép diễn ra tương tự tại xóm Nà Đoỏng. Tại thời điểm nhóm phóng viên tìm hiểu thực tế, có khoảng hai máy xúc đang hối hả đào đất ngay sát lề đường cùng gần 20 người tiến hành thu gom quặng. Người dân trong xóm cho biết, khoảng hai tháng trở lại đây, việc đào quặng ở khu đất này diễn ra công khai, thậm chí có cả xe ô tô tải thường xuyên chờ bốc quặng chở đi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khu đất (đồi) này được giao cho ông Lê Văn Vạn quản lý theo chủ trương giao đất giao rừng của nhà nước. Cách đây hơn một tháng, ông Vạn xin phép UBND xã cho san gạt 1.000m2 đất đồi để làm nền nhà, nhưng trên thực tế đó chỉ là cái cớ để “quặng tặc” được phép xúc đất tìm quặng trên nền đất của ông một cách danh chính ngôn thuận.

Được gia chủ móc nối, “quặng tặc” danh chính ngôn thuận khai thác quặng trên nền nhà của ông Lê Văn Vạn.

Việc đào bới ở đây diễn ra đã hơn một tháng nhưng nền nhà đâu không thấy, chỉ thấy ngổn ngang từng ụ đất đá thải…

Chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt?

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, dọc hai bên đường từ xóm Nà Lũng đến UBND xã Duyệt Trung có khoảng 6 điểm thu gom quặng đang hoạt động, trong đó có 2 điểm thu mua chỉ cách UBND xã 300m.

Người dân địa phương cho biết, các đầu nậu thường đi gom quặng từ 4h chiều đến khoảng7h tối, rồi cho hàng lên xe vận chuyển đi nơi khác một cách nhanh gọn.

Báo cáo ngày 24/6/2011 của Mặt trận Tổ quốc xã Duyệt Trung và các tổ chức đoàn thể khác cũng thừa nhận, trên địa bàn xã hiện có 6 khu vực khai thác quặng trái phép, 1 điểm mót quặng tại bãi thải của mỏ sắt Nà Lũng và 2 khu vực thu gom quặng của 13 đầu nậu. Mỗi ngày, trên các điểm khai thác thác quặng có tới hàng trăm người tham gia, đáng chú ý là toàn bộ đất trên các điểm khai thác đều là đất rừng giao cho các hộ quản lý.

Trước thực trạng khai thác quặng trái phép bùng phát, ngày 27/5, Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng đã ra chỉ thị 04/CT-UBND yêu cầu các phường, xã thành lập tổ công tác ngăn chặn khai thác quặng trái phép. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng thực thi, hiệu lực của quyết định này dường như chỉ “ứng nghiệm” tại một số địa phương lân cận như xã Hòa Chung, xã Vĩnh Quang, phường Tân Giang. Riêng tại Duyệt Trung, vấn nạn khai thác và thu mua quặng trái phép vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hay chí ít là là tạm lắng.

Phải chăng nguyên do là vì chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc quyết liệt?