Mạnh tay hơn với các dự án tiềm ẩn rủi ro

ThienNhien.Net – Trong khi các chuẩn mực về môi trường trong đầu tư tài chính chưa được các ngân hàng Việt Nam chú ý một cách đúng mức thì việc dự án thủy điện Đồng Nai 5 mới đây bị một ngân hàng nước ngoài từ chối cho vay vốn do tác động tới Vườn quốc gia Cát Tiên không phải là một sự kiện quá lạ lẫm hay mới mẻ. Bởi lẽ, ngày nay việc đánh giá các rủi ro về môi trường xã hội trước khi phê duyệt khoản vay đã nằm trong chính sách an toàn của nhiều thể chế tài chính quốc tế. Bài viết sau đây của một nhà phân tích môi trường Canada sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sơ bộ về vấn đề này.

354 tỷ USD là con số của các giao dịch tài chính dự án được ký kết trên toàn cầu năm 2010, vượt hơn hẳn con số 320 tỷ USD năm 2008. Nhìn chung, việc gia tăng khối lượng các thỏa thuận tài chính phản ánh sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mà cả các nước phát triển và đang phát triển đều đang mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ, dầu khí, cùng các dự án công nghiệp khác.

Tuy nhiên, đầu tư tăng đi kèm với rủi ro tăng. Và rủi ro tài chính vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của mỗi hợp đồng giao dịch bởi dễ hiểu là các nhà tài trợ vốn luôn muốn đảm bảo rằng họ sẽ nhận được lợi nhuận cho khoản đầu tư của mình.

Lịch sử từng chứng kiến rất nhiều dự án phát triển đã bị các tổ chức phi chính phủ chỉ trích kịch liệt trong các thập niên 1980-1990 vì các tác động môi trường-xã hội, và bản thân các ngân hàng quốc tế tài trợ cho các dự án này cũng bị đặt vào tình thế miễn cưỡng khi buộc phải biện hộ cho các khoản hỗ trợ tài chính của mình.

Ảnh minh họa: Allphotos2.bloguez.com

Ngày nay, các ngân hàng ngày càng nhận thức rõ ràng rằng các rủi ro về xã hội và môi trường gắn liền với các dự án lớn cũng có thể tạo nên các rủi ro tài chính. Nếu các mối quan tâm và bức xúc của các cộng đồng địa phương không được đáp lại một cách chính đáng thì các hoạt động gắn liền với các dự án lớn rất có thể bị gián đoạn hoặc đổ vỡ. Tương tự như vậy, sự suy thoái môi trường do các hoạt động dự án cũng có thể dẫn đến một khoản nợ lớn cho các nhà vận hành dự án.

Hơn nữa, các thể chế tài chính cũng nhận ra rằng, các rủi ro về xã hội và môi trường còn đồng thời đem đến những rủi ro về uy tín, danh tiếng cho chính họ. Và vì vậy, rất nhiều tổ chức tài chính đã buộc phải thiết lập và xiết chặt các chính sách của mình như một lá chắn an toàn trước những nguy cơ như vậy.

Trong mười năm gần đây, có hai khung tiêu chuẩn hướng tới các khoản vay trách nhiệm được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới là Nguyên tắc Xích đạo và Tiêu chuẩn thực thi trách nhiệm xã hội và môi trường của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Nguyên tắc xích đạo là bộ nguyên tắc tự nguyện mà nhiều ngân hàng tư nhân và nhiều tổ chức tín dụng xuất khẩu chọn lựa để áp dụng cho các giao dịch tài chính dự án có trị giá trên 10 triệu USD.

Nguyên tắc Xích đạo là bộ chuẩn mực được Hiệp hội Nguyên tắc Xích Đạo thiết lập nhằm giúp các tổ chức tài chính loại bỏ và giảm nhẹ tác động tiêu cực đối với môi trường – xã hội từ các dự án phát triển. Việc áp dụng các Nguyên tắc Xích đạo giúp các tổ chức tài chính thẩm định, sàng lọc, loại bỏ các dự án có rủi ro về mặt môi trường-xã hội và chỉ tài trợ cho các dự án đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc này. Hiện có hơn 70 ngân hàng/tổ chức tài chính đã chính thức áp dụng Nguyên tắc Xích đạo, trong đó một số ngân hàng đã có mặt tại Việt Nam như ANZ, HSBC, Standard Chartered Bank, Manulife, Mizuho Corporate Bank, Crédit Agricole Corporate, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ… Bản tiếng Việt của bộ Nguyên tắc Xích đạo đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) xuất bản năm 2010.

Tương tự, bộ tiêu chuẩn của IFC cũng bao gồm những hướng dẫn chi tiết cho các công ty về hệ thống đánh giá và quản lý tác động môi trường xã hội, điều kiện lao động và môi trường làm việc, phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm, an toàn và sức khỏe cộng đồng, di cư bắt buộc và quyền về đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa và người bản địa.

Cả hai bộ tiêu chuẩn này đã được tham vấn rộng rãi và sẽ được cập nhật sửa đổi trong năm nay với những thay đổi dự kiến tác động đến các giao dịch của IFC trong năm 2012. IFC cũng có Hướng dẫn về An toàn và Sức khỏe môi trường (EHS) riêng cho ngành công nghiệp, cung cấp cho các công ty các hướng dẫn chi tiết nhằm thực hiện quy định về phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm.

Những sáng kiến này đã đặt ra các giới hạn nhất định cho các công ty hoạt động tại các nước đang phát triển, bởi vì nếu muốn được phê chuẩn, các khoản vay phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về xã hội-môi trường.