Góc nhìn của cộng đồng về sông ngòi

Hồ Hòa Bình đang cạn dần do nguồn nước sông cung cấp cho hồ ngày một giảm. (Ảnh: ThienNhien.Net)

ThienNhien.Net – Ngày 24/5/2011, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hội thảo “Sông ngòi Việt Nam: Góc nhìn của cộng đồng và thực tiễn chính sách” với mục tiêu tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông chia sẻ thông tin và thảo luận về hiện trạng cùng những tác động của hoạt động phát triển đến sông ngòi và tài nguyên nước của Việt Nam.

Tại hội thảo, lần đầu tiên PanNature đã công bố kết quả điều tra ý kiến của cộng đồng và chính quyền địa phương về tác động của phát triển đối với sông ngòi, tài nguyên nước và ảnh hưởng sinh kế, được thực hiện tại một số địa phương thuộc ba lưu vực sông Nhuệ-Đáy, sông La và sông Vu Gia – Thu Bồn.

Chương trình điều tra này là một phần trong báo cáo công dân về sông ngòi do Trung tâm Con người và Thiên nhiên thực hiện, đang được hoàn thiện. Đây là ấn phẩm đầu tiên trong loạt báo cáo công dân về các vấn đề liên quan đến môi trường mà Trung tâm sẽ phát hành thường niên, với mục tiêu cung cấp thêm một nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sáchvề đánh giá của cộng đồng đối với các vấn đề môi trường hiện nay.

Hội thảo này cũng là cơ hội cho những người tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ sự quan tâm và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Nhà nước về nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, tổ chức quản lý lưu vực sông, thúc đẩy sự tham gia, giám sát của cộng đồng địa phương vì sự phát triển bền vững. Các đề xuất này sẽ là đóng góp có ý nghĩa cho quá trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước đang được thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại rằng  nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước. GS.TS. Ngô Đình Tuấn – Trường Đại học Thủy lợi phát biểu: “Theo tôi, trước tiên là vấn đề liệu quản lý điều hành có tốt hay không, chứ không phải ở tài nguyên đủ hay thiếu… Tất cả các vấn đề liên quan đến phát triển nếu không được qui hoạch và quản lý tốt đều sẽ bị suy thoái, trong đó sông ngòi và tài nguyên nước không phải là ngoại lệ”.