Diện tích rừng Amazon bị “xóa sổ” cao nhất trong 15 năm qua

Theo dữ liệu chính thức do Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) công bố ngày 18/11, diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil bị tàn phá trong năm nay đã tăng 22% so với năm ngoái. Đây là tốc độ tàn phá cao nhất xảy ra đối với “lá phổi xanh” của trái đất tính từ năm 2006.

Dữ liệu của INPE cho thấy diện tích rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil đang bị thu hẹp nghiêm trọng. (Ảnh: AP)

Hệ thống giám sát Prodes của INPE cho thấy diện tích rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil đã “biến mất” 13.235 km2 trong khoảng thời gian 12 tháng (tính từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021).

Tốc độ tàn phá “kỷ lục” đối với rừng Amazon trong 15 năm qua đã làm lu mờ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro nhằm củng cố uy tín về bảo vệ môi trường, cùng với cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow hồi đầu tháng 11/2021. Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2028, chính phủ Brazil cần áp dụng những biện pháp quyết liệt để chặn đứng tình trạng tàn phá rừng đang có dấu hiệu tăng theo từng năm.

Điều đáng nói, 2021 là năm thứ ba liên tiếp tỷ lệ rừng Amazon bị phá tăng lên dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Trước khi nhiệm kỳ của Jair Bolsonaro bắt đầu vào tháng 1/2019, diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon trên lãnh thổ Brazil chưa ghi nhận năm nào có hơn 10.000 km2 rừng bị tàn phá trong vòng hơn 1 thập kỷ. Từ năm 2009 đến 2018, diện tích từng trung bình bị tàn phá là 6.500 km2. Sau thời điểm trên, diện tích rừng trung bình bị “xóa sổ” hàng năm tăng vọt lên 11.405 km2, với tổng diện tích rừng “biến mất” trong ba năm qua còn lớn hơn bang Maryland của Mỹ.

Hơn 3 năm trước, ông Bolsonaro trở thành Tổng thống Brazil với lời hứa sẽ phát triển rừng Amazon, đồng thời bác bỏ những lời cáo buộc về tình trạng tàn phá đang xảy ra đối với “lá phổi xanh của trái đất”. Ngay tại một hội nghị thu hút đầu tư vừa diễn ra ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) trong tuần này, ông Bolsonaro đã phát biểu quả quyết rằng, những lời lẽ chỉ trích nhằm vào Brazil liên quan tới vấn nạn tàn phá rừng là không công bằng và phần lớn rừng Amazon vẫn còn được giữ ở trạng thái nguyên sơ.

Bộ trưởng Môi trường Joaquim Leite thừa nhận những con số được nêu ra chính là “một thách thức”, đồng thời cam kết “sẽ mạnh tay hơn nữa nhằm ngăn chặn tội phạm môi trường”. Ông Leite tuyên bố trước các phóng viên rằng, những dữ liệu được công bố đã không phản ánh nỗ lực gần đây của chính phủ Brazil nhằm đẩy lùi nạn phá rừng.

Brazil – nước có phần lớn diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon đang được coi là một “nhân tố” quan trọng trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. “Lá phổi xanh” trải dài từ lãnh thổ Brazil (hơn 60% tổng diện tích) sang các nước Nam Mỹ đang cung cấp 20% khí oxy cho toàn bộ sinh vật trên trái đất và là ngôi nhà của 10% đa dạng sinh học toàn địa cầu. Việc diện tích rừng Amazon bị thu hẹp sẽ tác động đến vấn đề khí hậu, nhất là lưu lượng mưa tại khu vực, khiến sự sống của hàng triệu loài động – thực vật bị đe dọa./.