Trồng xạ đen xóa đói

ThienNhien.Net – Xạ đen (tên khoa học là Celastrus Hindsu benth) là một loại cây thuốc nam, mọc tự nhiên trong các khu rừng già của nước ta, thường được dân gian gọi là cây dây gổi, quả nâu, dân tộc Mường gọi là cây ung thư. Không chỉ có tác dụng về mặt y học, xạ đen còn là cây có giá trị về mặt kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình. Một trong nhiều hộ thành công với việc trồng và phát triển loại cây này là gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở khu 3, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông cho biết, sẽ quyết tâm theo đuổi loại cây trồng này để vừa giúp xóm làng xóa đói, vừa cung cấp thêm nguồn dược liệu chữa bệnh cứu người.

Thời gian đầu, ông Sơn lặn lội sang tận Hòa Bình để mua giống xạ đen chuẩn. Do cây dễ trồng nên chỉ sau vài tuần đã bén rễ. Ông Sơn tiếp tục tận dụng các loại thân cây để làm giàn leo cho chúng. Dần dà, hai thửa ruộng của gia đình ông đã có 200 gốc xạ đen tươi tốt.

Đến mùa thu hoạch, ông Sơn thực hiện thu và chế biến xạ đen ngay tại ruộng. Thân và cành cây được chặt ngắn, phơi khô; lá xạ đen phơi khô, sao vàng dùng làm thuốc nam.

Các sản phẩm từ xạ đen ban đầu chỉ được bán cho nhân dân quanh vùng, sau gia đình ông mở rộng sang nhiều khu vực khác với mức giá từ 120 – 150 nghìn đồng/kg cành và thân xạ đen; 150 – 170 nghìn đồng/kg lá xạ đen khô. Với nguồn thu hấp dẫn từ xạ đen, ngày càng có nhiều hộ trong vùng theo học kĩ thuật trồng của ông Sơn, được ông hướng dẫn nhiệt tình cách trồng ngay tại vườn nhà.

Theo đông y, xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng hữu hiệu trong điều trị mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm, giải độc, giảm tiết dịch trong xơ gan cổ chướng và đặc biệt trong chữa trị ung thư. Tài liệu nghiên cứu mới nhất của Viện quân y 103 cũng ghi nhận tác dụng làm hạn chế sự phát triển của các khối u trong cơ thể người bệnh của cây xạ đen.