Biến phế phẩm thành phân hữu cơ

ThienNhien.Net – Với mong muốn giúp cho người nông dân tiết kiệm tối đa chi phí phân bón trong sản xuất, gần đây, anh Vũ Đình Phúc (53 tuổi, quê ở Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã sáng chế thành công một loại máy mới: máy xay phế phẩm thành phân hữu cơ vi sinh.

Anh Phúc giới thiệu sáng chế của mình (Ảnh: Kinhtenongthon.com.vn)

Sáng chế của anh Phúc được ra đời từ chính trăn trở lâu nay rằng tại sao tất cả rác thải, cọng lá mía, cỏ… bà con phải thuê xe mang đi đổ, trong khi ngày ngày phải thu gom phân trâu, bò hoặc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua phân hữu cơ? Và sau bao nhiêu ngày tháng miệt mài “làm khoa học”, chiếc máy xay phế phẩm thành phân hữu cơ vi sinh đã ra đời.

Nhìn chung, thiết kế của máy khá gọn và đơn giản, với 2 bộ phận chính là mô tơ và cối xay. Máy chạy êm, ít tốn điện, xay trộn phế phẩm chất thải rất nhuần nhuyễn. Với công suất tối đa 10m3 phân thành phẩm/giờ, máy xay phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ có thể giúp nông dân giảm đáng kể chi phí đầu tư phân bón.

Được biết, trước đây muốn mua 1 tấn phân hữu cơ phải mất tới 2 triệu đồng, nhưng giờ đây, nếu sử dụng sáng chế của anh Phúc thì cũng với 1 tấn phân ấy, bà con chỉ mất 100.000 đồng tiền điện, còn tất cả nguyên liệu để sản xuất phân đều đã có sẵn. Và “nếu nông dân cả nước sử dụng máy xay nguyên liệu phân hữu cơ vi sinh tự chế của tôi thì mỗi năm tiết kiệm không dưới 1.200 tỷ đồng”, anh Phúc khẳng định.

Một điều đáng lưu ý nữa là lượng phân sản xuất từ máy sau khi được ủ lên men đem bón cho rau, lúa, ngô sẽ giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất, chất lượng vượt trội, đất tăng độ tơi xốp và nhất là không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo lời của anh, một khi áp dụng đúng thiết kế thì chỉ cần 1 tháng để làm ra chiếc máy này và chi phí cho việc hoàn thành một chiếc máy chỉ gói gọn trong khoảng 35 triệu đồng. Hiện anh Vũ Đình Phúc đã hoàn thành 3 chiếc máy xay phế phẩm thành phân hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, anh không có ý định tiến hành các thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa cho “con đẻ” của mình mà sáng chế của anh chỉ nhằm mục đích giúp bà con nông dân giảm bớt phần nào chi phí sản xuất.