Biến đổi khí hậu sẽ không công bằng

ThienNhien.Net – Các quốc gia phát thải khí nhà kính tính theo đầu người ít nhất lại là các quốc gia có xu hướng dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới, củng cố thêm quan điểm lâu nay vẫn bị nghi ngờ này.

Các nhà nghiên cứu của Đại học McGill (Canada) đã khẳng định điều mà lâu nay đã được dự đoán song vẫn vấp phải nhiều nghi ngờ. 

“Các mô hình sinh thái học của chúng tôi cho thấy, tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu sẽ là lớn nhất ở các quốc gia ít góp phần gây nên hiện tượng này nhất” – trưởng nhóm nghiên cứu Jason Samson cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Các mô hình tương tự từng được sử dụng để nghiên cứu cách thức mà các loài thực vật và động vật thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng lần này Samson đã áp dụng công cụ đó để nghiên cứu tác động lên con người. Ông gọi đó là chỉ số toàn cầu đầu tiên để dự báo các tác động của biến đổi khí hậu lên con người.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Global Ecology and Biogeography này, người dân sống ở những đất nước có khí hậu nóng và nằm trong vĩ độ thấp có thể sẽ phải hứng chịu các tác động này sau vài thập kỷ nữa.

Các khu vực thuộc Nam Mỹ, Trung Mỹ, Bán đảo Ả Rập, Đông Nam Á và nhiều khu vực của Châu Phi sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Còn Canada, Mỹ, Bắc Âu và Trung Á sẽ chịu tác động ở mức độ nhẹ hơn, theo nghiên cứu này.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, các quốc gia nghèo như Somalia, vốn đã phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và gặp nhiều khó khăn trong trồng cấy lương thực vì khí hậu nóng, sẽ gặp khó khăn nhiều nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho số dân ngày càng tăng trên một nền nhiệt độ cao hơn.

Trong nghiên cứu này, Samson cũng kết hợp các dữ liệu về biến đổi khí hậu với các số liệu điều tra dân số của gần 97% dân số thế giới, nhằm dự báo sự thay đổi về dân cư của các khu vực cho năm 2050.

Theo Samson, mô hình nghiên cứu sinh thái học mới này có thể giúp dự báo chính xác hơn và sơ đồ hóa được các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các khu vực cụ thể trên toàn cầu. Tuy không đưa ra các dự báo ở quy mô nhỏ ở cấp đô thị, tỉnh thành song mô hình này cũng giúp đưa ra một bức tranh toàn cảnh rất hữu ích cho các quyết định chính sách và các đàm phán toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Với nghiên cứu này, những người từng cho rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia ít phát thải khí nhất sẽ có thêm bằng chứng hậu thuẫn cho quan điểm của mình.