Nhân rộng mô hình sử dụng phân sinh học WEHG

ThienNhien.Net – Để giúp người trồng lúa có thêm kiến thức sử dụng phân bón lúa bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tạo ra nông sản hàng hóa an toàn và sạch, trong vụ Đông – Xuân này, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận đang nhân rộng mô hình sử dụng phân sinh học WEHG ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm trong tỉnh như các huyện: Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn với quy mô từ 500 ha đến 700 ha/huyện.

Ông Phạm Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận cho biết, vụ lúa vừa qua, Trung tâm triển khai mô hình tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước với quy mô hơn 20 ha. Qua so sánh về chi phí đầu tư ở ruộng sử dụng phân sinh học WEHG giảm 50% phân hóa học và ruộng đối chứng sử dụng 100% phân hóa học cho thây tổng chi phí phân bón cho 1 ha ruộng sử dụng phân sinh học WEHG ít hơn hẳn. Sau thu hoạch, năng suất lúa ở ruộng sử dụng phân sinh học WEHG cũng cao hơn gần 3 tạ/ha so với ruộng đối chứng.

Quy trình sử dụng phân sinh học WEHG cũng khá đơn giản, phân được phun xuống đất trước khi gieo và phun trên lá lúa ở 3 giai đoạn (phun lần 1 khi lúa từ 15 đến 20 ngày, phun lần 2 từ 40 đến 45 ngày và phun tiếp một lần khi lúa trổ hoàn toàn), sẽ giúp cây lúa duy trì màu xanh đậm; thời gian xanh kéo dài; thân cây cứng; hạt lúa khi chín có màu vàng sáng đẹp. Bên cạnh đó, sử dụng phân sinh học WEHG sẽ giảm được lượng thuốc trừ sâu do không phun thuốc trừ sâu sớm, quần thể thiên địch như nhện, bọ rùa… được bảo vệ tốt, đất bề mặt ruộng sẽ xốp hơn, mềm và ít cỏ dại hơn.

Theo nhiều hộ dân thực hiện mô hình ở xã Phước Thái, việc sử dụng phân sinh học WEHG trong sản xuất lúa không những giảm được công chăm sóc, giảm chi phí, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho đất và lúa, làm cân bằng trạng thái sinh học trong đất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sâu bệnh… mà còn cho năng suất cao, không gây tác hại cho môi trường và sức khỏe.

Lợi ích của việc sử dụng phân sinh học WEHG qua việc thực hiện thí điểm mô hình ở Phước Thái, địa phương được xem là vựa lúa lớn của huyện Ninh Phước, đã mang lại hiệu quả khá rõ nét, từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người trồng lúa tại đây trong việc sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc sinh học áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng ứng dụng vào sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm”; đồng thời làm tiền đề để cả tỉnh tiến tới sản xuất lúa theo hướng GAP trong tương lai.