“Vua mèo” diệt quốc nạn chuột

ThienNhien.Net – Hơn chục năm về trước, khi nước ta đang đối mặt với quốc nạn chuột tàn phá mùa màng, nhiều nông dân đã dùng thuốc diệt chuột, bẫy chuột ở khắp các cánh đồng khiến đàn mèo cũng bị vạ lây. Lúc ấy, là người yêu quý mèo từ nhỏ, PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh, Trưởng bộ môn khoa Ngoại – Sản, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ, khoa Thú y Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã góp phần đưa đàn mèo thoát khỏi nguy cơ… tuyệt chủng.


Khi thuốc diệt chuột… diệt mèo


Trước thềm năm mới Tân Mão, chúng tôi tìm đến nhà “Vua mèo” – PGS.TS Nguyễn Văn Thanh – tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội đúng lúc ông vừa kết thúc chuyến công tác tại một số tỉnh Nam Trung Bộ về.

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông có ánh mắt nhanh nhẹn, mái tóc đã điểm bạc. Đang rót nước mời khách, bỗng từ đâu có hai chú mèo chạy đến nhảy lên ghế ngồi cùng chủ nhân. Ông Thanh cười cho biết: “Trước đây nhà tôi nuôi nhiều mèo lắm, thời điểm nhiều lên đến mấy chục con nhưng không hiểu vì sao cứ mất dần. Cho đến một hôm nghe được câu chuyện của những người hàng xóm, họ nói mèo nhà ông Thanh hiền và sạch sẽ lắm, chúng sang nhà thì mình cho chúng ăn, lâu rồi quen là ở luôn. Trộm mèo của nhà ai chứ mèo của ông PGS.TS. Thanh thì sợ gì”.

Ôm trên tay hai con mèo có bộ lông rất đẹp, ông Thanh bùi ngùi nhớ lại: “Vào những năm 1998 – 2002, đàn mèo nước ta gần như bị… tuyệt chủng, chuột hoành hành phá hại mùa màng của nhân dân trên khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, có thể coi là “quốc nạn”. Chính vì thế người dân đã tìm mọi cách để diệt chuột, như giăng dây điện, đánh bả, đặt bẫy…

Tuy nhiên, việc giăng dây điện nguy hiểm đến con người nên bị Nhà nước cấm, và vì vậy việc dùng bả để diệt chuột diễn ra tràn lan, đi khắp các cánh đồng ở Đồng bằng đâu đâu cũng thấy bả thuốc diệt chuột. Phần lớn thuốc diệt chuột nhập từ Trung Quốc có tác dụng rất tốt, khi chuột ăn vào thì có thể chết ngay trong ít phút, mà mèo lại ăn thịt chuột nên cả mèo cũng chết theo, đôi khi cả mèo cũng ăn phải thuốc diệt chuột, không chỉ vậy, nhiều loài gia súc, gia cầm cũng chết vì thuốc chuột.

Đúng lúc đó PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh nhận được lời mời tư vấn cho một dự án nông nghiệp của tổ chức phi chính phủ Thanh niên sứ mệnh YWAN. Sau khi nhận lời mời, ông Thanh đã đi đến một số xã tại Hà Tây cũ để phỏng vấn dân xem họ gặp những khó khăn, bế tắc gì nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Đi đến đâu ông Thanh cũng nhận thấy vấn đề bất cập trong nông nghiệp thời bấy giờ (2002) là nạn chuột gây thiệt hại vô cùng to lớn. Nhận thấy mọi phương pháp diệt chuột đều không hiệu quả, ông Thanh đã đặt vấn đề với bà con xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ tìm cách phát triển đàn mèo tại địa phương này.

Nhân nuôi khắc tinh của chuột

Khi ấy, ông Thanh đã phối hợp với chính quyền xã Thanh Bình tổ chức một cuộc họp và mời bà RossNin, giám đốc dự án Thanh niên sứ mệnh YWAM, đến tham dự. Sau khi nghe ông Thanh trình bày về cách làm của mình, bà RossNin đã đồng ý đầu tư một số vốn nhỏ trích từ dự án để phát triển đàn mèo.

Ông phối hợp với chính quyền lấy ý kiến bà con trong xã và nhận được nhiều tiếng nói đồng tình. Thậm chí, trong lúc ông Thanh đang trình bày, một cán bộ lão thành có mặt trong cuộc họp hôm đó đã bật dậy phát biểu: “Tôi nay đã hơn 80 tuổi rồi mới gặp được một người có cách làm đúng ý nguyện của tôi đó”.

Việc chuột phá hại mùa màng đã khiến rất nhiều gia đình ở Thanh Bình lâm vào cảnh nghèo đói. Bởi vì nếu như sâu, bọ hại lúa chỉ mất thời gian phun thuốc là trừ được nhưng để diệt chuột thì phải mất một khoảng thời gian rất dài, gấp 5 – 7 lần. Theo ông Thanh thì lúc đó 1 con chuột có thể ăn từ 15 – 20kg lương thực/ vụ và đàn chuột có thể phá hại hàng tạ lương thực, đôi khi cả cánh đồng. Mà chuột sinh nở rất nhanh, mỗi lứa chúng đẻ hàng chục con.

Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con, ông Thanh đã cùng mọi người trong dự án bỏ tiền ra mua thật nhiều mèo và đưa ra hương ước “ngân hàng mèo”. Lúc đầu “ngân hàng” chỉ có vài con nên cứ chia ra cách vài nhà lại cho nuôi một con. Nhân dân thấy vậy cũng góp tiền vào mua mèo về nuôi, cứ mèo mẹ nào đẻ con thì mèo con lại được cho nhà khác nuôi. Nhờ vậy mà chẳng mấy chốc đàn mèo phát triển nhanh chóng, cho đến lúc nhà nào cũng có mèo thì đàn chuột đã dần được tiêu diệt.

Vô tuyến truyền… mồm và cuộc thi hoa hậu mèo

Gây dựng được “ngân hàng mèo” “giàu có” rồi thì việc khó nhất là bảo vệ đàn mèo như thế nào trước nạn trộm mèo lấy thịt. Ông Thanh đã bàn với chính quyền xã Thanh Bình thực hiện việc “bêu tên” những kẻ ăn trộm mèo trên loa phát thanh của làng với quan điểm “Vô tuyến truyền mồm nhanh hơn vô tuyến truyền hình”. Kể từ đó dân làng rất sợ bị “vạch họ chỉ tên” trên loa và trở thành đề tài bêu rếu, đàm tiếu của cả làng. Nhờ thế mà đàn mèo không bị bắt trộm nữa, việc đánh bả chuột cũng bị cấm trong xã.

Trong vòng hơn 2 năm, nhờ phát triển đàn mèo, chuột ở Thanh Bình đã “không còn đất sống”, năng suất nông nghiệp của xã Thanh Bình nhờ vậy tăng thêm 30% so với khi bị chuột hoành hành.

Chưa dừng lại ở đó, để khích lệ tinh thần yêu thương, chăm sóc mèo trong nhân dân, dẹp bỏ những e ngại cho rằng mèo thường gây bệnh hen vì hay rụng lông, ông Thanh đã nảy ra sáng kiến tổ chức cuộc thi “hoa hậu mèo”.

Với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ đàn mèo trong nhân dân, cuộc thi “hoa hậu” mèo đầu tiên ở Việt Nam đã được tổ chức tại Ủy ban nhân dân xã Thanh Bình, với sự tham gia của hàng chục “thí sinh” đến từ khắp nơi trong xã và các xã lân cận.
Nhờ hàng loạt các chương trình, sáng kiến, kết quả số lượng mèo trong xã Thanh Bình và các vùng lân cận ngày một tăng lên, đẩy lùi “quốc nạn chuột”.

Đến nay, điều mà PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh vẫn trăn trở là nếu tình trạng biến thịt mèo thành món nhậu quen thuộc như ở tỉnh Thái Bình trở nên phổ biến thì chẳng mấy chốc đàn mèo ở Việt Nam sẽ giảm và “quốc nạn” chuột lại tái diễn.