Lời giải cho bài toán kinh tế và môi trường

ThienNhien.Net – Đề cập đến tính hiệu quả, sự bền vững môi trường về các lĩnh vực tài nguyên như đất, nước, rừng, biển và khoáng sản, Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) năm 2011 với chủ đề Quản lý tài nguyên thiên nhiên đã là lời giải đáp ngắn gọn cho câu hỏi “Làm thế nào để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nhằm giảm nghèo một cách bền vững về mặt môi trường và xã hội?”. Báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 05/01/2011.

Báo cáo cho biết, phần lớn sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay dựa trên sự khai thác mạnh mẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt, và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác nhiều hơn.

Không có gì sai nếu sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế. Nhưng để phát triển bền vững, cần phải đảm bảo rằng các tài nguyên được khai thác ở mức thích hợp và lợi nhuận thu được từ việc khai thác đó được đầu tư vào các hình thức vốn khác.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa đang kết hợp với nhau dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đô thị và gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Ở một chừng mực nào đó, tình trạng này có thể được cân bằng thông qua tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và áp dụng các tiến bộ công nghệ. Nhưng cuối cùng, kết quả sẽ là sự gia tăng áp lực đối với dự trữ tài nguyên và ô nhiễm. Trong nhiều trường hợp, chỉ có các lợi ích được ghi nhận vào quá trình tăng trưởng kinh tế, còn “ẩn” sau đó là các hiện tượng như sức khỏe con người suy yếu, tổn thất khả năng sản xuất của hệ sinh thái trong dài hạn và chất lượng môi trường suy giảm.

Thêm nữa, với những tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, sự thay đổi lượng mưa làm cho hạn hán và lũ lụt trở nên trầm trọng hơn, hay các sự kiện khí hậu cực đoan có thể xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn…, cần có biện pháp thích ứng kịp thời.

Phân tích kỹ hơn về nền kinh tế Việt Nam, báo cáo cũng cho biết, hầu hết nguồn tài nguyên nước mặt của Việt Nam đều bắt nguồn từ lãnh thổ nước ngoài, do đó Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhà máy thủy điện lớn trên sông Mê Kông. Hay như ngành chế biến gỗ của Việt Nam lệ thuộc khá mạnh mẽ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang phải đối mặt với những quy định mới liên quan đến sự bền vững.

Cùng với đó, ngành đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản, ngành khai thác khoáng sản cũng phát triển mạnh theo định hướng xuất khẩu. Trong đó, ngành đánh bắt hải sản đang phải cạnh tranh với các đội tàu nước ngoài ở các vùng biển quốc tế. Một số thị trường quan trọng nhập khẩu sản phẩm hải sản của Việt Nam lại đòi hỏi các bằng chứng về quản lý tài nguyên bền vững.

Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng lớn đến chương trình cải cách của Việt Nam. Xuất phát từ đó, Báo cáo VDR 2011 đã đưa ra những khuyến cáo nhằm đổi mới căn bản chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, để vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao vừa đạt được sự bền vững môi trường, cũng như sự công bằng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Thứ nhất, quản lý Nhà nước cần ưu tiên vào các công việc: tăng cường tính công khai, minh bạch trong các thị trường đất đai; cải tiến việc thu thập dữ liệu về nước nhằm thúc đẩy quản lý lưu vực hợp lý trong bối cảnh cạnh tranh sử dụng nước ngày càng tăng; thực thi các tiêu chuẩn dữ liệu nghiêm ngặt trong ngành lâm nghiệp để tạo điều kiện huy động các nguồn vốn quốc tế nhằm hỗ trợ hấp thu các-bon, lâm nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cấp cơ sở dữ liệu nhằm xác định hiện trạng nghề cá và các mức đánh bắt hợp lý; công bố kết quả đánh giá tác động môi trường từ việc khai thác khoáng sản.

Thứ hai, hiện đại hóa quản lý địa chính nhằm giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả tưới, tăng năng suất rừng trồng; cải cách cơ chế trợ cấp cho ngành đánh bắt cá để không khuyến khích khai thác quá mức các tài nguyên biển và tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Thứ ba, cải thiện việc thực thi quy định môi trường để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; gán các giá trị cho môi trường nếu thị trường không thể làm được điều này; mở rộng các cơ chế đồng quản lý trong lâm nghiệp và quản lý tài nguyên biển và cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường; đồng thời kết hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình quy hoạch công. Các ưu tiên trước mắt về phương diện môi trường gồm có: quy hoạch sử dụng đất để bảo vệ các sinh cảnh quan trọng; đẩy mạnh việc thực hiện các quy định nhằm chống ô nhiễm nước; tiếp tục phát triển các hệ thống chi trả cho dịch vụ bảo vệ và mở rộng rừng tại các vùng ven biển; mở rộng hệ thống Khu bảo tồn biển kết hợp với các hệ thống bảo tồn dựa vào cộng đồng; và thực thi các quy định môi trường liên quan đến khai thác mỏ.

Cuối cùng, liên quan tới sự công bằng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, cần tập trung giải quyết hiệu quả và công bằng các khiếu nại trên thị trường đất đai; cải tiến có chọn lọc các dịch vụ nước cho người nghèo; mở rộng các thí điểm khả quan trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp cộng đồng cũng như tài nguyên biển; và đưa ra các quy định để cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản tại các vùng lân cận.

Báo cáo Phát triển Việt Nam là kết quả của một quá trình tham vấn do Ngân hàng Thế giới điều phối, với sự tham gia không chỉ của các đối tác phát triển mà còn có cả các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức học thuật, các nhà nghiên cứu và tư vấn độc lập.

Báo cáo này là một trong loạt các báo cáo thường niên được Ngân hàng Thế giới soạn thảo trong nhiều năm nay đề cập đến những chủ đề phát triển quan trọng nhất của Việt Nam.