Thế giới kêu gọi thúc đẩy phát triển y học cổ truyền

ThienNhien.Net – Tháng 11/2008, tại Bắc Kinh đã diễn ra một hội nghị quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì. Hội nghị này được đánh dấu bằng bản Tuyên Bố Bắc Kinh, được coi là một điểm sáng đối với ngành y học cổ truyền.

Trên thực tế, lĩnh vực y học cổ truyền đã được WHO quan tâm từ hơn ba thập kỷ nay. Tuyên bố Alma-Ata năm 1978 đã thừa nhận y học cổ truyền góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cộng đồng.

Với bản tuyên bố gần đây nhất năm 2008, các thành viên của WHO đồng thuận rằng cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng y học cổ truyền một cách an toàn và hiệu quả, đưa lĩnh vực y học này trở thành một bộ phận được thừa nhận chính thức trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại các quốc gia.

Theo một thống kê sơ bộ, hiện thế giới có trên 400 triệu lương y chữa bệnh bằng các phương thuốc dân gian tại các vùng sâu, vùng xa của các nước. Việc người dân tin tưởng và nhờ cậy vào đội ngũ lương y này xuất phát từ những nguyên nhân rất căn bản như do dễ tiếp cận, không quá tốn kém, và đôi khi do cả văn hoá, tập tục lâu đời của cộng đồng.

Trong khi mạng lưới y tế cấp cơ sở còn khuyết và thiếu thốn trầm trọng ở nhiều nơi, sự đóng góp của các đội ngũ lương y tại chỗ và các phương thuốc cổ truyền là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với vấn đề chăm sóc sinh sản.

Y học cổ truyền cần được tiếp sức

Bản thân y học cổ truyền có một sức sống mạnh mẽ, nhưng trước sự phát triển và lấn át của tân dược và y học hiện đại, cộng với sự hủy hoại các giá trị đa dạng sinh học trong hệ sinh thái tự nhiên với tốc độ nhanh ngày nay, y học cổ truyền có nguy cơ bị mai một. Nhiều loại dược liệu và bài thuốc dân gian đặc sắc có thể bị mất đi vĩnh viễn trước khi được nghiên cứu và khai thác.

Kết quả khảo sát tại Ấn Độ cho biết 95% dược liệu thiên nhiên của quốc gia này được thu hái một cách tự phát. 300 loài cây thuốc có nguy cơ sẽ biến mất.

Trong khi đó, xét trên quy mô toàn cầu, hiện chưa có đánh giá nào về tính đa dạng của các loài cây thuốc cũng như số lượng khai thác, buôn bán giữa các quốc gia.

Tri thức bản địa của người dân trong việc sử dụng các phương thuốc cổ truyền là minh chứng cho thấy mối tương tác giữa văn hoá, giá trị tinh thần của cộng đồng và môi trường tự nhiên nơi họ sinh sống.

Tại các khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh, y học cổ truyền là nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu.

Ngày nay, vấn đề chia sẻ lợi ích đối với việc khai thác dược liệu và các bài thuốc cổ truyền bước đầu đã được xã hội quan tâm. Một số cộng đồng ý thức được giá trị của nguồn tài nguyên này đã xây dựng quy ước riêng, kỳ vọng rằng việc tiếp cận phi truyền thống những tri thức riêng có của họ từ bên ngoài phải tuân thủ những giá trị văn hoá sinh thái vốn có, hay ít ra phải góp phần nào đó phục vụ sự phát triển cộng đồng. Quan điểm của WHO cũng như nhiều chuyên gia, việc chia sẻ lợi ích cần được quan tâm hơn nữa, không chỉ ở cơ sở mà cả cấp quốc gia.

Trung Quốc là một trong những quốc gia châu Á có nền y học cổ truyền phát triển, cũng là nước hưởng ứng mạnh mẽ Tuyên bố chung của WHO. Quốc gia này đã xây dựng chương trình hỗ trợ và thúc đẩy phát triển y học cổ truyền, lồng ghép nội dung này vào các cấp y tế, các lĩnh vực điều trị sức khoẻ và tăng cường đầu tư cho các bệnh viện y học cổ truyền.

Năm 2006, Chilê tiến hành cải tổ hệ thống y tế quốc gia, đề xuất cách tiếp cận đa chiều đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong hệ thống các bệnh viện, y học cổ truyền được thừa nhận chính thức và tồn tại song song với Tây y.

Tại Uganda, chương trình nghiên cứu và phát triển cây thuốc đã được bộ y tế nước này khởi động rất sớm, từ cách nay gần 50 năm, đánh dấu bằng việc thành lập Phòng thí nghiệm các hoá chất có nguồn gốc thiên nhiên.

 Nền y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử lâu đời. Có ý kiến cho rằng nó đã manh nha từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, xuất phát từ những mẹo dân gian của những cư dân cổ để giữ ấm cơ thể, bảo vệ men răng…

Tại Đông Nam Á, khu vực có nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học và y học cổ truyền, Hội nghị Y Dược học cổ truyền lần thứ 2 đã diễn ra cuối tháng 10/2010. Các nước ASEAN cũng đã ngồi lại với nhau cùng thảo luận về định hướng đào tạo nhân lực; hiện đại hoá; kết hợp với y học hiện đại, nuôi trồng, phát triển nguồn dược liệu cho y học cổ truyền và ứng dụng lĩnh vực y học này vào chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Việt Nam đã thực hiện lồng ghép y học cổ truyền vào mạng lưới y tế quốc gia từ năm 1954. Cả nước hiện có 61 bệnh viện y học cổ truyền, hơn 70% trạm y tế xã phường có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Nỗ lực thúc đẩy từ WHO

Tuy Tuyên bố Bắc Kinh đã đạt được sự đồng thuận, song về mặt pháp lý, nó không có tính chất ràng buộc trách nhiệm các nước phải thực hiện, ngay cả khi đại diện các chính phủ đã chắp bút ký bản Nghị quyết tháng 5/2009 kêu gọi các quốc gia nên áp dụng Tuyên bố Bắc Kinh phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, việc đáp ứng kêu gọi của WHO hay không vẫn phụ thuộc vào nhìn nhận và đánh giá của các quốc gia thành viên.

Theo đuổi nỗ lực bền bỉ, đầu tháng 12/2010, WHO tuyên bố sẽ sớm triển khai một dự án xây dựng hệ thống phân loại y học cổ truyền để tiến tới nhìn nhận và đánh giá xác thực hơn về lợi ích của lĩnh vực y học này.

Dự án kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những chứng cứ và cơ sở khoa học cho y học cổ truyền, thiết lập các thuật ngữ chuyên môn và hệ thống phân loại đối với các chẩn đoán và can thiệp. Dự án sẽ ưu tiên nghiên cứu các hệ thống y học cổ truyền của Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc – những nền y học đã có bề dày phát triển.