Mặt trận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thienhien.Net – Nhiều nhà hoạch định chính sách và những người điều hành doanh nghiệp vẫn cho rằng giải pháp trọng tâm để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu là cắt giảm khí thải CO2 thông qua một hiệp ước toàn cầu vốn vẫn bị lảng tránh cho đến giờ. Trong khi mục tiêu này là khó thực hiện vì cắt giảm khí CO2 ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, họ đã hướng sang một mục tiêu khả thi hơn – giảm các khí thải nhà kính khác ngoài CO2.

Khi Hội nghị các bên tham gia công ước khung Liên hiệp quốc (COP16) về Biến đổi khí hậu được khởi động mới đây tại Cancun, Mexico với mục tiêu thiết lập nền tảng cho một hiệp ước toàn cầu trong tương lai, rất nhiều chuyên gia đã hướng vào mục tiêu cắt giảm nhanh chóng các hóa chất công nghiệp đóng góp vào sự nóng lên “ngắn hạn” như muội than và khí methane.

Theo Rafe Pomerance, thành viên của Clean Air-Cool Planet, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động chống lại sự nóng lên toàn cầu, một chiến dịch giảm các loại khí thải ngoài CO2 có thể góp thêm động lực mà thế giới đang cần trong việc cắt giảm CO2.

Chính khách, doanh nhân và giới môi trường gặp nhau trên mặt trận mới

Tuần trước, Mỹ, Canada và Mexico đã khởi động Sáng kiến Nam Mỹ nhằm hạn chế chất làm lạnh công nghiệp axit flohyddric cùng với methane và than đen từ động cơ diesel và lò đốt củi. Các nhà đàm phán của Liên hiệp quốc tại Cancun cũng đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận nhằm hạn chế sử dụng các chất HFC trong một nghị định riêng về khí hậu.

Cũng theo hướng này, 400 công ty lớn bao gồm Coca-Cola, Pepsico, Unilever và WalMart hồi đầu tuần trước đã tuyên bố sẽ ngừng sử dụng các chất HFC trong các trang thiết bị mới trước năm 2015.

Daniel A. Reifsnyder, Phó trợ lý ngoại trưởng về môi trường của Mỹ cho biết ông và các quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho rằng họ có thể giảm các khí nhà kính không lưu lại trong khí quyển lâu như CO2 ngay cả khi họ tiếp tục lảng tránh vấn đề lớn hơn về khí thải từ các nhà máy công nghiệp và phương tiện giao thông: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều tiềm năng thực hiện điều này một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta hành động ngay hôm nay, nghĩa là chúng ta có thể giải quyết được 20% vấn đề khí thải nhà kính vào năm 2050”.

Theo Durwood Zaelke, chủ tịch Viện Quản lý và Phát triển Bền vững, một tổ chức phi lợi nhuận có văn phòng tại Washington, việc loại trừ các khí thải nhà kính khác ngoài CO2 có thể giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu tới 40 năm và đó là “chính sách bảo hiểm nhanh nhất” mà chúng ta có thể đạt được trong khi đang loay hoay tìm hướng đi cho vấn đề khí carbon.

Các nhóm hoạt động môi trường như Greenpeace và WWF trong nhiều năm qua cũng đã vận động các tập đoàn toàn cầu cắt giảm lượng phát thải carbon, đồng thời thay thế các chất làm lạnh nhân tạo bằng loại khí tự nhiên như hydrocarbon và acmoniac. Điều này được họ coi là bước đi đầu tiên mở đường cho những thay đổi quan trọng trong công nghiệp.

Hãng Coca-cola đã đưa vào sử dụng chất cách nhiệt không dùng HFC từ năm 2006 và đã chi 60 triệu USD vào việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp thay thế HFC. Và vì các chất làm lạnh tự nhiên có chi phí cao hơn loại truyền thống, họ đang hy vọng rằng một hiệp ước mới sẽ giúp giảm chi phí nhờ mở rộng phạm vi và quy mô thực hiện cam kết thay thế HFC.

Kiểm soát khí thải nhà kính bằng hai hiệp ước quốc tế

Trên toàn cầu, khí thải từ chất HFC đang gia tăng và phổ biến ở các nước đang phát triển, một phần bởi vì HFC được sử dụng như một chất thay thế các hóa chất gây suy giảm tầng ôzôn đã bị hạn chế bởi Nghị định thư Montreal năm 1987.
 
Việc hạn chế sử dụng các chất HFC trong các trang thiết bị, từ máy bán hàng tự động đến điều hòa nhiệt độ, có thể cắt giảm một lượng khí thải nhà kính tương đương với 88 tỉ tấn CO2, đóng góp khoảng 8% vào tỷ lệ giảm khí nhà kính tới giữa thế kỷ này.

Các nhà hoạch định chính sách đang đặt hy vọng vào vòng đàm phán Cancun nhằm thúc đẩy các hành động quốc tế mạnh mẽ hơn để kiểm soát sản xuất và tiêu dùng các chất HFC bằng Hiệp định thư Montreal, đồng thời kiểm soát lượng khí thải từ các hóa chất này trong phạm vi các thỏa ước về khí hậu của Liên hiệp quốc.

“Chúng tôi lo ngại rằng, công ước khung quốc tế hiện tại không thể giải quyết được nguy cơ này một cách có hiệu quả”, Mairos Avraamides, một chuyên gia về giao thông và tầng ôzôn của Ban Hành động Khí hậu thuộc Ủy ban Châu Âu bày tỏ. Ông cũng coi các nỗ lực phối hợp giữa hai hiệp ước về khí hậu sẽ mang lại cơ hội cho chiến lược giảm nhẹ biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Trong thời gian chờ đợi một thỏa ước quốc tế, các thành viên của Hội đồng vùng Bắc cực bao gồm năm quốc gia vùng Scandinavina, Mỹ, Canada và Nga đang tìm cách hạn chế sử dụng than đen. Hội đồng Bắc Cực đã thành lập một lực lượng chuyên trách về vấn đề này và các nước thành viên đang tích cực tìm kiếm các dự án tài trợ.

Ngay cả khi đã có sự quan tâm nhất định từ các đại biểu dự họp tại Cancun về triển vọng giảm các loại khí nhà kính vốn ít được chú ý lâu nay, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng, các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào các mục tiêu giảm khí thải nhà kính rộng hơn từ các hoạt động công nghiệp, giao thông và phá rừng.

COP 16: Khó đạt được một thỏa hiệp lớn