COP 16: Khó đạt được một thỏa hiệp lớn

ThienNhien.Net – Dù đã đi được một nửa chặng đường nhưng hiếm có ai bày tỏ sự lạc quan về những thỏa hiệp lớn có thể đạt được tại COP 16 bởi tiến trình đàm phán vẫn rất chậm.

Khoảng cách trong đồng thuận

“Không có nhiều tiến triển, mọi người thảo luận quá nhiều và bạn cảm thấy không có vấn đề gì đối với biến đổi khí hậu”, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) Andrew Steer nhận xét về quá trình đàm phán đang diễn ra tại Cancun.

Đến thời điểm này, các nhà đàm phán vẫn không thể thu hẹp khoảng cách giữa các quan điểm quốc gia mà họ đại diện. Ngay cả trong một bước tiến được cho là đáng kể nhất vẫn có sự bất đồng. Theo đó, các nhà đàm phán tuy đồng ý để Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) của WB giữ vai trò quản lý Quỹ Thích ứng (AFB) đến hết năm 2011, nhưng vẫn chưa thể thống nhất về thời gian quản lý cũng như cách thức giám sát Quỹ.

Phía các nước phát triển thì mong muốn quản lý theo hệ thống sẵn có, do đó họ ủng hộ WB hoặc Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tiếp tục quản lý Quỹ sau năm 2011. Chủ tịch AFB Farrukh Iqbal Khan cho rằng, WB nên tiếp tục quản lý quỹ đến hết tháng 3/2014 vì việc lựa chọn Ủy ban quản trị mới sẽ tiêu tốn thêm nhiều thời gian hơn và rằng nếu để WB tiếp tục quản lý thì có thể thúc đẩy tốt hơn các hoạt động của Quỹ. Đặc biệt, điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc giám sát Quỹ.

Trong khi đó, phía các nước phát triển mà đại diện là nhóm G77/Trung Quốc lại bày tỏ lo ngại về việc xem xét kéo dài thời gian quản lý Quỹ. Theo họ, hệ thống cũ đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các nước phát triển, vì vậy, cần thiết phải xây dựng một hệ thống giám sát mới.

Tại một cuộc gặp không chính thức vào ngày 2/12, thay mặt nhóm G77/Trung Quốc, Philipin nhận định, việc kéo dài thời gian có thể gây hại đến việc giám sát Quỹ. Mặt khác, các kết quả giám sát của WB liệu có được cung cấp khách quan từ chính những đơn vị đã tiến hành giám sát các hoạt động đó.

WB từ chối trả lời thắc mắc của Philipin với lí do đó là báo cáo kiểm tra nội bộ và không thể phổ biến.

Vấn đề giảm nhẹ vẫn… bế tắc

Giảm nhẹ hiện đang được xem là vấn đề bế tắc nhất tại COP 16, bởi cả hai phía – các nước phát triển và các nước đang phát triển đều đưa ra những điều kiện nhất định trong vấn đề giảm nhẹ lượng khí phát thải.

Phía các nước phát triển thì chỉ đồng ý giảm phát thải khi các nước đang phát triển cùng tham gia, còn các nước đang phát triển khẳng định họ chỉ giảm phát thải khi được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Nhóm G77/Trung Quốc cho rằng, trong quá khứ các nước phát triển hưởng lợi nhờ phát thải khí nhà kính, một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, vì vậy đây là món nợ khí hậu tất yếu mà các nước phát triển phải trả. “Trách nhiệm lịch sử ở đây là rất rõ ràng”, Huang Huikang, đại diện đặc biệt về đàm phán khí hậu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời là phó đoàn đàm phán Trung Quốc khẳng định.

Không đồng tiếng nói trong vấn đề giảm nhẹ là nguyên nhân chính khiến cuộc họp ngày 3/12 thất bại. Những người điều hành phiên họp thì mong muốn đàm phán dựa trên một văn bản mới, thay thế văn bản đã được thông qua gần một tháng trước tại Thiên Tân (Trung Quốc). Tài liệu mới dài hai trang với nhiều điểm mới – đã nhận được sự ủng hộ của các nước phát triển, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các nước đang phát triển vì nội dung rất “chung chung”. “Tài liệu không nói rõ các nước phát triển phải giảm bao nhiêu, không đưa ra mục tiêu cụ thể là gì”, ông Phạm Văn Tấn, thành viên kỹ thuật đoàn Việt Nam cho biết.

Vì vậy, các nhà đàm phán sẽ phải tiếp tục thảo luận nhóm dựa trên những yếu tố đã có trong văn bản Thiên Tân trước khi chuyển lên các cuộc họp cấp bộ trưởng vào tuần tới. Tuy nhiên, khó có khả năng văn bản này được đưa vào chương trình thảo luận cấp cao. “Đối với một số vấn đề còn gây nhiều tranh cãi như giảm nhẹ, Nghị định thư Kyoto và việc tiếp tục giai đoạn hai có thể phải để lại đến COP 17 ở Nam Phi”, ông Huang chia sẻ.

Một khái niệm – nhiều cách hiểu

Nhiều nhà đàm phán nói đến một tài liệu đàm phán cân bằng (a balanced package) và coi đây là yếu tố quyết định tại COP 16. “Việc đạt được một tài liệu đàm phán cân bằng trong các quyết định sẽ là bước kế tiếp cần thiết trên con đường dài hơn tiến đến một giải pháp tổng thể”, Tổng thư ký Ủy ban Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết.

Tuy nhiên, cụm từ “cân bằng” lại được các nhà đàm phán diễn giải theo các cách khác nhau.

Theo các nước phát triển, “cân bằng” là tất cả các nước đều có trách nhiệm cắt giảm phát thải. “Cái mà chúng ta cần là sản xuất một gói tài liệu đàm phán cân bằng các quyết định về các vấn đề chính từ Hiệp ước Copenhaghen, bao gồm giảm nhẹ, minh bạch, tài chính, công nghệ, thích ứng và REDD”, đại diện đàm phán khí hậu của Mỹ Todd Stern cho biết.

Mỹ và châu Âu, vì vậy đã yêu cầu các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cắt giảm lượng khí thải nhà kính đang tăng nhanh vào năm 2020 và cho phép quốc tế giám sát việc cắt giảm đó.

Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển lại có cách diễn giải khác về “cân bằng ”. Theo họ, đó là chỉ đàm phán cân bằng về Nghị định thư Kyoto (KP) và Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), hai khung pháp lý không yêu cầu các nước đang phát triển có trách nhiệm giảm phát thải. Trong nội dung đàm phán, các phần phải cân bằng, tức việc giảm nhẹ của các nước phát triển phải bao hàm nghĩa vụ đối với các nước đang phát triển trong vấn đề hỗ trợ đầy đủ tài chính và chuyển giao công nghệ.

Được biết, vào chiều 5/12, Chủ tịch COP 16 Espinosa đã giới thiệu một đề xuất mới dài 30 trang nhằm tháo gỡ bế tắc trong đàm phán. Trong lời giới thiệu, bà Espinosa khẳng định không có bất cứ điều gì khuất tất trong quá trình xây dựng tài liệu. Tài liệu được xây dựng trên cơ sở tổng kết các kết quả thảo luận tại các phiên đàm phán với các quốc gia, các nhóm nước trong suốt tuần qua.

Các quốc gia đã có phản ứng ban đầu đối với đề xuất của Chủ tịch. Nhìn chung đều cho rằng, đây là một bước tích cực để tháo gỡ bế tắc hiện nay và đánh giá cao vai trò chủ tịch của Mexico.

COP 16: Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác

Việt Nam công bố chỉ số phát thải CO2 tại COP 16

Hội nghị Cancun hy vọng một thỏa thuận mới

Mỹ gây sức ép để Ả Rập Saudi chấp thuận Hiệp ước Copenhagen