TRAFFIC và WWF kêu gọi hành động bảo vệ loài hổ tại Trung Quốc

ThienNhien.Net – Hội nghị quốc tế chuyên đề về hổ diễn ra tại Kathmandu, Nepal với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về hổ trên thế giới và các đại biểu tới từ 12 quốc gia đã bế mạc ngày 18/04/2007. Hội nghị đã nhất trí rằng nguy cơ lớn nhất đe dọa loài hổ hiện nay là nạn săn bắn trái phép và kêu gọi sự quan tâm quốc tế đối với vấn đề cấp thiết này.

Theo ông Susan Lieberman, Giám đốc Chương trình về loài toàn cầu của WWF (Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) đồng thời là Chủ tọa Hội nghị, các đại biểu tham gia đều thống nhất rằng nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải đấu tranh với nạn săn bắn hổ trái phép trong tự nhiên. Điều đó đòi hỏi nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia đối với việc bảo vệ các quần thể loài hổ trong tự nhiên và kiểm soát nhu cầu trên thị trường trái phép về các bộ phận của hổ. Ông cho biết: “Số hổ hoang dã còn lại trong tự nhiên không còn cơ hội để chờ đợi. Nhu cầu bảo vệ chúng chưa bao giờ cấp bách như lúc này”.

Hội nghị quốc tế chuyên đề về hổ có sự tham gia của TRAFFIC (Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã), WWF và IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) với các chuyên gia nghiên cứu về hổ, các nhà nghiên cứu chính sách và các cơ quan chức năng quản lý vấn đề buôn bán động vật hoang dã. Tiếp sau hội nghị này, Diễn đàn Hổ Toàn cầu diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 20/04/2007 dành cho đại diện chính phủ các nước.

Một vấn đề rất được chú ý tại hội nghị Kathmandu là liệu Trung Quốc có bãi bỏ lệnh cấm buôn bán xương hổ đã tồn tại 14 năm nay và cho phép việc buôn bán các sản phẩm từ hổ ở trong nước không. Bởi lẽ các chủ trại nuôi hổ giàu có, những người đang sở hữu 4.000 con hổ bán thuần chủng nuôi nhốt và hy vọng hưởng lợi từ việc buôn bán các bộ phận của hổ đã có kiến nghị trình chính phủ Trung Quốc với yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm này.

“Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, đây sẽ là một án tử hình với những con hổ hoang dã. Chúng sẽ càng bị săn bắn không thương tiếc khi thị trường được hợp pháp hoá cho những kẻ buôn lậu “rửa tiền” nhờ sản phẩm từ hổ”, ông Steven Broad, Giám đốc điều hành TRAFFIC khẳng định.

TRAFFIC kêu gọi Diễn đàn Hổ Toàn cầu gửi thông điệp tới Trung Quốc nêu rõ quan điểm của cộng đồng quốc tế là mọi quyết định cho phép mở cửa trở lại thị trường buôn bán hổ đều không thể chấp nhận được.

Một số khuyến cáo của Hội nghị gửi tới Diễn đàn hổ Toàn cầu:

– Nghiên cứu cách thức giảm xung đột giữa người và hổ trong khu vực châu Á và chia sẻ kinh nghiệm về phương thức đền bù cho các cộng đồng dân cư bị hổ phá hại.

– Triệu tập một cuộc họp của các chuyên gia về thực thi pháp luật để chia sẻ những tư vấn và cách tiếp cận việc ngăn chặn nạn buôn bán hổ trái phép.

– Kêu gọi phát triển một chương trình bảo tồn hổ trên toàn thế giới học tập mô hình bảo tồn loài sư tử châu Phi đã được áp dụng thành công.