Nghiệm thu hàng năm các công trình lâm sinh

ThienNhien.Net – Theo Quyết định 73/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, các công trình lâm sinh được nghiệm thu hàng năm để xác định khối lượng, chất lượng công trình lâm sinh thực hiện trong năm.

Điều kiện lập dự án lâm sinh bao gồm 4 nội dung sau: 1- Có diện tích đất hoặc diện tích rừng rõ ràng, có ranh giới cụ thể; 2- Diện tích đất của dự án đã có chủ cụ thể (hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có xác nhận của cấp có thẩm quyền về quyền sử dụng đất trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được giao cho chủ đầu tư thuê); chủ khu đất có thể trực tiếp đầu tư trong dự án lâm sinh hoặc liên kết với các nhà đầu tư khác; 3- Khu đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng; 4- Dự án đầu tư lâm sinh phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương (nếu là dự án đầu tư lâm sinh độc lập) hoặc là Dự án thành phần trong Dự án phát triển lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp trên địa bàn chưa có quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc diện tích đất của dự án nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, hoặc không nằm trong dự án phát triển lâm nghiệp được duyệt phải trình cấp có thẩm quyền xin chủ trương cho phép lập dự án.

Công trình lâm sinh là diện tích rừng, vườn rừng giống, vườn cây rừng đầu dòng được tạo thành từ việc thực hiện các hoạt động lâm sinh và xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng.
Hoạt động lâm sinh trong các dự án công trình lâm sinh có: trồng rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi tái sinh có tác động; nuôi dưỡng rừng; cải tạo rừng tự nhiên; làm giàu rừng; xây dựng nguồn giống cây rừng.

Quy chế nêu rõ, thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

Riêng đối với 5 loại công trình, hạng mục công trình lâm sinh sau sẽ được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu hoặc tự thực hiện:

1- Trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác, trồng băng xanh cản lửa, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng, nuôi dưỡng, làm giàu rừng, bảo vệ rừng;

2- Xây dựng mô hình trình diễn;

3- Xây dựng mô hình khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống;

4- Tư vấn lập dự án và thiết kế kỹ thuật, dự toán cho dự án hoặc các hạng mục của dự án;

5- Nhập giống, chọn tạo giống; cung cấp cây giống.