Giám sát môi trường của các cơ quan dân cử: có giám mà không có sát

ThienNhien.Net – Hình ảnh đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM Đặng Văn Khoa giơ cao một can nhựa đựng nước thải vàng khè khi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường là một hình ảnh hiếm có trong các cuộc chất vấn HĐND các cấp đối với hoạt động BVMT. Đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết nước thải ấy ông vừa lấy tại con kênh xả thải của một bệnh viện lớn trong thành phố khi nhận được nhiều phản ánh của người dân và ông đã tự bỏ tiền túi ra để giám định mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Điều này phần nào cho thấy một thực tế rằng sự giám sát BVMT của các cơ quan dân cử còn thiếu, yếu và chưa đạt được kỳ vọng của người dân.

Khai thác cát trên sông Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Khai thác cát trên sông Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Giám sát của các cơ quan dân cử còn mờ nhạt

Trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay có hai loại giám sát: giám sát mang tính quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội, HĐND và giám sát xã hội mang tính quyền lực nhân dân thông qua tổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các phương tiện thông tin đại chúng và các cá nhân, cộng đồng.

Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp là giám sát mang tính quyền lực nhà nước, được tiến hành bởi chủ thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một cơ quan hay một hệ thống các cơ quan nhà nước khác theo những nguyên tắc nhất định về sự phân công quyền lực nhà nước. Trong lĩnh vực BVMT, Quốc hội và HĐND các cấp thông qua các cơ quan của mình thực hiện quyền giám sát bằng các phương thức: xem xét, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT cũng như việc thực hiện các biện pháp BVMT của chính quyền nhân dân các cấp.

Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội và HĐND các cấp sẽ có điều kiện nhìn nhận lại những quy định, chính sách pháp luật xem đã phù hợp với yêu cầu quản lý cũng như thực tiễn của đời sống xã hội hay chưa. Thông qua đó, Quốc hội và HĐND yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ những gì không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, hoạt động giám sát cũng giúp làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và quan chức được giao quyền. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động giám sát hiện vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực BVMT.

Hoạt động giám sát của Quốc hội hàng năm thường được thực hiện theo nghị quyết về giám sát của UBTV Quốc Hội và theo những chuyên đề nhất định. Riêng đối với hoạt động giám sát BVMT, lần giám sát gần nhất là cách đây… 4 năm, vào năm 2011, khi Ủy ban TVQH báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề trên cả nước.

Tuy nhiên, những kiến nghị của báo cáo này vẫn chưa thực sự là cú hích đủ mạnh để thay đổi những vấn đề nổi cộm về môi trường tại khu kinh tế và làng nghề trong thời gian vừa qua. Thực ra, đây là một hạn chế ngẫu nhiên cho thấy Quốc hội hay cơ quan dân cử không thể có đủ nguồn lực và nhân lực khi thực hiện giám sát một lĩnh vực liên tục, kịp thời.

Mặt khác, công tác BVMT gắn liền với nhiều lĩnh vực khác nhau, với các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi đôn đốc thực hiện mạnh mẽ, nên hoạt động giám sát của quốc hội chưa thực sự có hiệu quả cao, nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết.

Một điểm khách quan làm giảm kết quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với công tác BVMT là những thay đổi môi trường thường không tác động lên cộng đồng dân cư một cách tức thì. Hay nói cách khác, tính bức thiết của vấn đề môi trường chỉ được quan tâm khi môi trường đó đã hoàn toàn bị xâm hại hoặc có những tác động rõ rệt lên đời sống dân sinh.

Ngoài ra, một vấn đề được xem là tế nhị trong công tác BVMT là hiện tượng chính quyền địa phương đôi khi chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế, lấy nhà đầu tư trong khi thiếu sự giám sát chặt chẽ của HĐND các cấp vì mục đích phát triển. Đây cũng chính là lý do hoạt động giám sát BVMT bị coi nhẹ.

Sự việc Hà Nội chặt cây xanh trong thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đô thị chỉ bị phản đối khi có tiếng nói của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội dân sự. Đến nay vẫn chưa thấy sự lên tiếng của các cơ quan dân cử; của mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát BVMT. Điều này cho thấy sự chậm trễ trong hoạt động giám sát cũng như một bức tranh buồn về vai trò giám sát BVMT trong thời gian vừa qua.

Ô nhiễm khói thải tại Khu công nghiệp Xuyên Á (huyện Đức Hòa, Long An). (Ảnh Dương Văn Thọ/PanNature)
Ô nhiễm khói thải tại Khu công nghiệp Xuyên Á, huyện Đức Hòa, Long An (Ảnh Dương Văn Thọ/PanNature)

Người dân giám sát BVMT – Chuyện muôn năm chẳng cũ

Luật BVMT 2014 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng qua nhiều thời kỳ với mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Luật BVMT cũng đã thể hiện điểm mới được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 khi xem QMT ngang hàng với những quyền căn bản nhất của con người: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”. Như vậy BVMT đã trở thành nghĩa vụ pháp lý quan trọng gắn liền với quyền của con người.

Theo nhiều nhận định, không cơ quan chức năng nào có thể giám sát tốt công tác BVMT và hiểu đặc thù của từng khu vực – nơi có các dự án đã, đang và sẽ đầu tư – bằng chính người dân sinh sống trên chính địa bàn đó. Trong thời gian vừa qua, hoạt động giám sát cộng đồng nhằm cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở nói chung được đánh giá có nhiều kết quả tích cực. Người dân, thông qua ban giám sát cộng đồng đã bảo vệ khá hiệu quả những lợi ích sát sườn của mình như đầu tư cộng đồng, công khai hộ ngèo, công khai các chính sách an sinh ở địa phương… Trong hoạt động BVMT, sự tham gia của cộng đồng vào BVMT không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp BVMT, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời ÔNMT ngay từ khi mới xuất hiện. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều quy định của pháp luật đề cập tới hoạt động giám sát của cộng đồng trong BVMT.

Trong 170 Điều của Luật BVMT có 443 lần cụm từ “BVMT” được nhắc tới. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu đối với người dân và cụm dân cư về BVMT thì Luật BVMT chỉ có 5 lần nhắc đến quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT, bao gồm: Quyền được tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM (Điều 7); Quyền được cung cấp thông tin về BVMT thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; Quyền được tìm hiểu thực tế về công tác BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Quyền được yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở vi phạm về môi trường; Quyền được tham gia đánh giá kết quả BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Có thể xem các quyền nêu trên là một chuỗi quyền đối với vòng đời một dự án thực hiện tại khu dân cư. Cụ thể, trước khi dự án được triển khai người dân được tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM; khi dự án ở giai đoạn hoạt động thì người dân được cung cấp thông tin, được tìm hiểu thực tế vận hành của dự án; và được biết những sai phạm sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra.

Vậy, với những quyền ấy được trao, QMT của cộng đồng dân cư liệu đã được đảm bảo chưa và họ có còn vướng mắc, khó khăn nào trong việc thực hiện quyền của mình?

Thứ nhất, những quyền nêu trên đều là những quyền mang tính thụ động, còn chung chung, khó thực hiện đối với cộng đồng không mang tính tổ chức nhà nước. Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh (PAPI) thì năm 2014 chỉ có 28,8% người dân được hỏi cho biết họ có biết đến pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; và cũng chỉ có 63,9% người dân được hỏi biết đến khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kết quả trên cho thấy, ngay cả đối với những quyền lợi sát sườn của người dân thì sự quan tâm cũng chưa thực sự cao. Trong khi đó, hiện chưa có một cơ chế nào có thể đảm bảo rằng người dân có thể thực hiện đầy đủ 5 quyền về môi trường được nêu ở trên.

Đối với quyền tham vấn trong ĐTM, thì việc xác định rõ các đối tượng “thụ hưởng” hay “chịu tác động xấu” về môi trường của dự án trong tương lai vẫn được xem là khá mơ hồ và hiện không có cơ chế hữu hiệu đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của cư dân khi dự án hoàn thành đi vào sản xuất. Nước thải, khí thải ô nhiễm bao vây khu dân cư vẫn là thực trạng khá phổ biến tại các khu vực dự án. Trong khi đó, hoạt động tham vấn cộng đồng đã bị dừng ngay sau khi đề án được phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng quyền tham vấn thực ra chỉ mang tính hình thức, trở thành một thủ tục đối với doanh nghiệp khi mà các báo cáo ĐTM ít nhận được sự phản hồi của cộng đồng dân cư nơi có dự án, trừ các dự án nhạy cảm như xử lý rác thải, nhà máy hóa chất… Bởi xét cho đến cùng,  việc nhà đầu tư “qua mặt” trong việc thông qua báo cáo này là chuyện dễ dàng trong bối cảnh công khai, minh bạch ở chính quyền địa phương còn hạn chế và người dân thường thiếu sự tuyên truyền, hỗ trợ của các tổ chức có chuyên môn về đánh giá ĐTM. Và như vậy, quyền được tham vấn trong ĐTM khi đó chỉ dừng lại ở quyền hình thức (formalism power).

Thứ hai, QMT quy định trong Luật BVMT dường như đề cập tới “quyền nghĩa vụ” hơn là “quyền lợi”. Quyền nghĩa vụ có nghĩa là người dân có thể thực hiện hoặc không thực hiện; còn quyền lợi là quyền mà nếu người dân thực hiện thì họ sẽ được lợi. Như đã đề cập ở trên, việc người dân chưa được tuyên truyền về lợi lợi ích khi tham gia BVMT thì họ vẫn xem đấy là quyền nghĩa vụ. Đây chính là một trong những rào cản vô hình làm giảm quyền BVMT của người dân.

Vấn đề khó thứ ba trong đảm bảo thực hiện quyền BVMT của người dân và cộng đồng chính là sự chồng chéo trong quản lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, bên cạnh sự thiếu hỗ trợ trực tiếp của cơ quan chủ quản về môi trường. Tại điều 142 Luật BVMT quy định rất rõ vai trò của nhiều bộ, ngành trong việc phối hợp với Bộ TN&MT trong quản lý BVMT. Tuy nhiên, sự hỗ trợ trực tiếp của ngành tài nguyên môi trường để người dân có “cửa” thực hiện QMT của mình còn hạn chế! Đấy chính là sự khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia BVMT. Vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn hơn 1000 tấn chất thải độc hại trong khu vực nhà máy là một ví dụ điển hình. Sau khi vụ việc được đưa ra kết luận, những người tố cáo tiêu cực vẫn thường xuyên bị đe dọa và không còn nhận được sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng. Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành với hệ thống cơ quan TN&MT các cấp chỉ được thực hiện hiệu quả khi phát hiện ra môi trường đó đã bị xâm hại. Người dân khi muốn kiến nghị hay phản ánh vấn đề ÔNMT vì vậy thường phải thông qua nhiều kênh, nhiều cấp, nhiều cơ quan, gây tốn kém về thời gian, công sức và tiền của.

Một số kiến nghị – giải pháp

Vấn đề thể chế hóa QMT và tuyên truyền về quyền này vẫn được xem là giải pháp đầu tiên và quan trọng trong việc phát huy QMT của cộng đồng. Việc tuyên truyền pháp luật, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cần được thực hiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong thời gian tới để người dân có thể thực hiện được quyền của mình. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm phát huy và thúc đẩy các quyền của cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách BVMT; tăng cường sự tham gia và chia sẻ lợi ích cộng đồng trong các vấn đề quản lý, giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi gây ÔNMT cũng cần được đẩy mạnh.

Cùng với việc tuyên truyền thì nhà nước cần phải nâng cao quyền tiếp cận thông tin về môi trường thông qua việc công khai thông tin, dữ liệu môi trường chủ động từ phía chính quyền các cấp, từ phía doanh nghiệp và đưa ra chế tài cụ thể đối với chủ doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn không thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin.

Ngoài ra, cần tăng cường và thể chế hóa Quyền tham gia vào hoạt động BVMT của người dân. Cụ thể, cần có những quy định cho phép tổ chức đối thoại về các vấn đề liên quan đến môi trường; quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường cũng như quy định quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện ra tòa khi có căn cứ cho rằng đã có những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT, vi phạm quyền tham gia vào hoạt động BVMT của cá nhân, tổ chức. Mọi cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, tố cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu yêu cầu đối thoại của họ bị từ chối…

Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có thẩm quyền trong việc thẩm định báo cáo ĐTM cũng như trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức về những sai phạm trong thực hiện ĐTM.

Một hoạt động cũng cần được xúc tiến là tăng cường trợ giúp pháp lý đối với các nhóm yếu thế trong xã hội vớicác hoạt động liên quan đến BVMT

Cuối cùng, cần tăng mức xử lý vi phạm hành chính và xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có liên quan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân.

Ths.Dương Hồng Thành, Phòng Thực thi Công ước, Cục Phòng chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ