Luật khoáng sản (sửa đổi) vẫn cần những đổi mới

ThienNhien.Net – Dù đã nhiều lần tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhưng bản Báo cáo giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn bội thu những đóng góp tại buổi thảo luận Quốc hội chiều 27/10. Trong đó, các đề nghị đều chủ yếu yêu cầu ban soạn thảo làm rõ thêm một số vấn đề để dự luật có tính khả thi cao hơn, đưa hoạt động khoáng sản vào nề nếp, xóa bỏ cơ chế xin-cho, điều tiết các khoản thu…, nhằm chống tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi như hiện nay.


Trải qua 7 lần chỉnh lý, dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự án luật, các đại biểu cho rằng vẫn cần đổi mới, chỉnh sửa hợp lý một vài nội dung, chủ yếu tập trung vào 6 nhóm vấn đề: quy hoạch khoáng sản; thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản; nguồn thu đối với hoạt động khoáng sản; quy định đấu giá quyền thăm dò, khai thác; chuyển nhượng quyền thăm dò và khai thác; vấn đề khai thác bền vững và phân chia nguồn lợi.

Chỉ đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Quy định về đấu giá quyền thăm dò, đấu giá quyền khai thác khoáng sản – Điểm mới trong dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị không quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vì tính rủi ro trong hoạt động thăm dò rất cao. Mặt khác, khi chưa thăm dò thì chưa đánh giá được trữ lượng, chất lượng khoáng sản nên khó thực hiện đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết, ông rất kỳ vọng dự luật này sẽ góp phần chấn chỉnh nạn khai thác tài nguyên bừa bãi, thất thoát khoáng sản và ô nhiễm môi trường rất bức xúc hiện nay. Do đó, điều quan trọng phải xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Tinh thần này cần được thể hiện rõ trong luật. Theo đó, việc điều tra, thăm dò khoáng sản nên do Nhà nước đứng ra thực hiện. Trường hợp cho doanh nghiệp được thực hiện hoạt động thăm dò, doanh nghiệp đó phải cam kết công bố đúng kết quả thăm dò, nếu sai phải bồi thường.

Cũng theo đại biểu Xuân, khoáng sản là tài sản quốc gia, chúng ta có thể chủ động bán, đấu thầu quyền khai thác. Cần quy định đã thăm dò thì không cho khai thác. Nếu để người thăm dò được ưu tiên khai thác thì sẽ mất tài nguyên, bởi người thăm dò sẽ công bố sai số liệu để hưởng lợi.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) lại cho rằng, nên quy định hình thức đấu giá khu vực khoáng sản chưa thăm dò, bởi đây sẽ là bước cải cách rất tốt cho việc xã hội hóa công tác thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản.

Về vấn đề này, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm xóa bỏ tình trạng xin – cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư, để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những hạn chế hiện nay. Do đó, UBTVQH đề nghị chỉ quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, UBTVQH nhận thấy việc đầu tư vào hoạt động thăm dò khoáng sản là hoạt động đầu tư ban đầu, chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, có tính rủi ro cao, cần khuyến khích để tìm kiếm, phát hiện khoáng sản của đất nước nên đề nghị không quy định hình thức đấu giá quyền thăm dò khoáng sản.

Trách nhiệm doanh nghiệp và quyền lợi người dân

Một vấn đề khác trong dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Theo đó, đa số các ý kiến đề nghị Nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.

Tiếp thu ý kiến này, dự luật được UBTVQH chỉnh lý theo hướng: địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác; phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến các thành phần môi trường; ưu tiên sử dụng lao động địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đang sinh sống ở nơi có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng, những sửa đổi này khó khả thi, bởi từ trước đến nay, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, nhân dân ở vùng có khai thác khoáng sản vẫn vô cùng khó khăn. Do đó, đại biểu Tuyết đề nghị quy định cụ thể hơn về vấn đề này, chẳng hạn làm rõ tỷ lệ phân chia như Nhà nước hưởng 40%, doanh nghiệp 30%, nhân dân nơi có khai thác khoáng sản hưởng 30%.

“Ngoài trách nhiệm duy tu bảo dưỡng các công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại tới nguồn nước, môi trường…thiệt hại đến sản xuất của địa phương”, đại biểu Tuyết kiến nghị.

Chung quan điểm về bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trước sự cố môi trường, các đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và Tống Văn Thoóng (Lai Châu) đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, đặc biệt đối với trường hợp sự cố môi trường xảy ra.

Cụ thể hơn, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) lại yêu cầu nêu rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp theo các công đoạn của hoạt động khoáng sản như thăm dò, khai thác, chế biến…

Lo ngại khái niệm quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản “bị gộp chung”, đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) lại cho rằng nên làm rõ quy định này bằng một chương riêng, thay vì chỉ quy định bằng một điều trong dự luật.

Không chỉ phải có trách nhiệm về những vấn đề môi trường, theo đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản còn phải có trách nhiệm trong việc duy tu, cải tạo đường sá, hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại trên tuyến vận chuyển khoáng sản khai thác. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp dù khai thác khoáng sản ở tỉnh này nhưng lại làm hỏng đường sá ở tỉnh khác do quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức khai thác khoáng sản cần quan tâm hơn đến vấn đề chuyển đổi việc làm cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, tái định cư theo hướng sao cho việc làm mới, công việc mới phải bằng hoặc tốt hơn công việc cũ.

Trên một góc nhìn toàn diện hơn, đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) thì cho rằng, không chỉ có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khai thác, dự thảo Luật cũng phải quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương và người dân sở tại đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, có như vậy mới đảm bảo tính hài hòa giữa hai bên. Đại biểu Hà cũng đề nghị dự thảo Luật có quy định bổ sung nguyên tắc tiết kiệm trong khai thác khoáng sản…