Đột nhập bãi vàng Thung Voi (kỳ II)

ThienNhien.Net – Đánh đổi sức khỏe và cả tính mạng để có được cái ăn cái mặc nhưng giấc mơ đổi đời của những số phận nghèo chẳng mấy khi được toại nguyện. Không ít người trong số đó đã phải gửi thân nơi rừng thiêng nước độc hoặc chịu cảnh thương tật vĩnh viễn.

Những bất hạnh sau giấc mơ vàng

Chúng tôi trở lại xóm Đệt vào một buổi chiều lạnh, nơi vẫn thường được người dân gọi bằng cái tên “làng phụ nữ đào vàng”. Gọi thế bởi xóm có 100 hộ thì có tới 90% gia đình có người đi đào vàng, trong đó phần đông lại là phụ nữ. Đã có không ít chuyện buồn xảy ra ở xóm Đệt liên quan đến chuyện tìm vàng.

Nhà Tủa có hai chị em, Tủa mới 5 tuổi còn chị đã 13. Năm ngoái, vào dịp tháng 11 âm lịch, mẹ Tủa cùng mấy chị em trong xóm kéo nhau lên Thung Voi làm vàng. Cũng chỉ mong có mắm muối, dưa cà cải thiện bữa ăn hàng ngày, nhưng thật không may bữa ấy cũng là lần cuối cùng Tủa gặp mẹ. Mẹ Tủa đã chết vì bị hầm sập trong khi đang đào vàng. Chị của Tủa đã nghỉ học ngay sau đó, còn bố Tủa giờ phải đi làm thuê trên tận phố huyện. Tủa vẫn chơi đùa cùng lũ trẻ trong xóm nhưng mỗi lần ai hỏi đến mẹ, khuôn mặt lem luốc của em lại rơm rớm buồn.

Trường hợp của chị Bùi Thị Dịu thì may mắn hơn. Chị thoát được trận ném đá của bọn “vàng tặc” sau khi vô tình xâm phạm vào lãnh địa của chúng ở Thung Voi. “Nghe thấy người trong xóm Đệt đào được hạt vàng to hơn hột ngô, hôm sau tôi cũng lên thung lũng Voi để đào vàng, nào ngờ đi vào đúng bãi của mấy thằng cai, bị bọn nó ném cho tới tấp, giờ vẫn để lại sẹo”, chị kể lại.

Những số phận bất hạnh sau giấc mơ vàng không chỉ có ở riêng xóm Đệt mà cả ở xóm Đồng Hòa 2, xã Mỵ Hòa. Nơi đây cũng không ít trường hợp bị chết do hầm sập, điển hình là câu chuyện về hai chị em Bùi Thị Lỏn và Bùi Thị Sang. Khi được hỏi chính quyền có biết sự việc này không, một người hàng xóm trả lời: “Làm thế nào được, sự việc xảy ra mình có báo cũng vô ích, suy cho cùng mình làm thì mình chịu”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hiến (25 tuổi) tâm sự: “Mỗi ngày công chỉ được ông chủ trả 70 nghìn. Biết là khổ nhưng làm sao được. Không đi thì lấy gì mà ăn”. Còn theo chị Dung, một “đồng nghiệp” của chị Hiến, thì làm nghề này, người nào may mắn có thể kiếm được 2 đến 3 mảy vàng trong một ngày, song có khi cả tuần chẳng được mảy nào. Có người chưa kịp nhìn thấy vàng đã vội ra đi…

Chính quyền bó tay?

Nghề đào vàng ở Thung Voi, nếu đúng như lời Chủ tịch UBND xã Thanh Nông, Bạch Bá Hán thì đã có từ rất lâu rồi. “Từ khi lớn lên tôi đã thấy nghề đào vàng trên mảnh đất này”, ông Hán tâm sự. Theo ông, những người tìm đến nghề chủ yếu do điều kiện kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên cứ đời này làm rồi lại truyền qua đời khác. Thôn Lộng vốn có nhiều mỏ vàng sa khoáng nên khi giá vàng tăng, người dân lại đổ xô đi tìm vàng. “Chúng tôi có xuống kiểm tra mấy lần nhưng đều không bắt được”.

Theo một số người dân, “vàng tặc” ở đây chủ yếu là người dân trong xã, chỉ riêng xã Mỵ Hòa có 12 xóm thì đã có tới 7 xóm có người đi đào vàng trái phép, tập trung tại một số khu vực chính như Bãi Khoai, Mư, Đồng Hòa 1, Đồng Hòa 2, Mỹ Đông, Cành, Bơ Rang.

Việc khai thác vàng trong khu vực Thung Voi tưởng đã rõ như ban ngày, nhưng chỉ khi trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Sáu – Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lạc Thủy mới hay biết. Ông cho hay: “Việc khai thác vàng ở thôn Lộng chúng tôi không hề biết bởi chính quyền xã chưa có bất cứ văn bản nào gửi lên phòng. Có gì chúng tôi sẽ cho người xuống kiểm tra lại”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thiệng – Phó chủ tịch xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi thì đánh bài hoãn binh: “Tình trạng khai thác vàng sa khoáng xảy ra đã rất lâu nhưng các anh (phóng viên) chưa đủ lòng tin cậy nên chúng tôi không thể cung cấp thông tin. Hẹn các anh vào một dịp khác quay trở lại Mỵ Hòa làm việc”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng địa phương cần thống nhất và áp dụng mạnh mẽ các biện pháp xử lý, đồng thời tạo điều kiện giúp bà con phát triển sinh kế mới mong ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép ở Thung Voi như hiện nay.