Để duy trì năng suất lúa cao nhất Đông Nam Á

ThienNhien.net – Với bình quân 5,3 tấn/ha, năng suất lúa Việt Nam vào loại cao nhất Đông Nam Á. Để duy trì được vị trí này, bên cạnh việc nghiên cứu và phát triển các giống lúa, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao tay nghề trồng lúa cho nông dân.


Mới đây, tại buổi họp triển khai vụ đông – xuân 2010-2011, tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng cho biết, hiện năng suất lúa Việt Nam vào loại cao nhất vùng Đông Nam Á, bình quân 5,3 tấn/ha/vụ.

Riêng vụ đông – xuân, nhiều tỉnh thành như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp đạt tới 7,2 – 7,3 tấn/ha, tương đương với những nước trồng lúa có năng suất cao nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Với năng suất này, sản lượng lúa cả nước năm 2010 đạt mức 39,9 triệu tấn, trong đó, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt sản lượng 21,5 triệu tấn.

Thành tựu về nghiên cứu và phát triển lúa lai

Lúa lai được gieo trồng ở Việt Nam từ năm 1991. Hiện nay, diện tích lúa lai là hơn 600.000 ha hằng năm với năng suất trung bình từ 6-6,3 tấn/ha, cao hơn lúa thuần từ 15-20%. Việc sử dụng lúa lai đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Lúa lai đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực ở nhiều tỉnh phía Bắc và Trung bộ.

Phát triển lúa lai của Việt Nam được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra một loạt các dòng bố mẹ có nhiều đặc tính tốt, từ đó cho ra đời một số tổ hợp lai cho năng suất, chất lượng gạo khá và đặc biệt là ngắn ngày. Hiện nay, các công ty giống trong nước đang mua bản quyền để sản xuất hạt giống với quy mô lớn.

Ở phía Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đã đạt được một số thành tựu về nghiên cứu và phát triển lúa lai, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, một số viện nghiên cứu của Trung Quốc và trường Đại học Kyushu (Nhật Bản).

Bộ NN&PTNT cũng đã cho phép Viện Lúa ĐBSCL và tỉnh An Giang thành lập Trung tâm kiểm nghiệm giống. Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc đăng ký kiểm định giống lúa của các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong gieo sạ tăng lên 40% theo mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho Viện trong thời gian tới chỉ tập trung lai tạo ra giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng để cung cấp cho các Sở NN&PTNT, các trung tâm giống lai tạo ra giống xác nhận cung cấp cho nông dân.

Để nâng cao giá trị hạt gạo cũng là tăng thu nhập cho mình, nông dân nên chọn giống lúa xác nhận trong canh tác. “Nhưng quan trọng là phải xử lý tốt các khâu trước và sau thu hoạch bằng những giải pháp canh tác tiên tiến”, TS Lê Văn Bảnh nói.

Tiếp tục nâng cao tay nghề trồng lúa cho nông dân

Khảo sát mới đây của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy, việc cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất lúa vẫn gặp nhiều trở ngại và mất cân đối giữa các khâu làm đất, tưới tiêu, gieo sạ đến thu hoạch và sau thu hoạch.

Tại Kiên Giang, việc cơ giới hóa chủ yếu tập trung cao ở khâu làm đất, tưới tiêu và tuốt đập, đạt khoảng 97%. Ngược lại, khâu gặt lúa thì thiếu máy trầm trọng và mới chỉ có khoảng 25-30% sản lượng lúa vụ hè thu tại các xã vùng sâu vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên được qua máy sấy.

Về lịch thời vụ, vẫn còn 75-85% bà con nông dân trong tỉnh sạ lan theo tập quán cũ, lạc hậu, vừa tốn lúa giống, chi phí cao, khó phòng chống sâu bệnh. Đáng nói hơn là chỉ có 20% tổng diện tích đất canh tác toàn vụ được phơi ải và vùi gốc rạ.

Vấn đề tiếp theo là đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để nâng cao tay nghề trồng lúa cho nông dân.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để hướng dẫn, đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề của nông dân như sắp xếp diện tích lô thửa đủ rộng, san ủi mặt ruộng bằng phẳng để có giải pháp gieo sạ tốt, bón phân hợp lý tránh bị đổ ngã, chọn máy thu hoạch thích hợp… Có như vậy, việc thu hoạch bằng cơ giới mới thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.

Với các vùng năng suất thấp, tay nghề đồng đều của người nông dân có thể sẽ giúp năng suất tăng thêm 2-3 tấn/ha… Và theo tính toán, sản lượng lương thực tăng thêm 4 triệu tấn/năm là trong tầm tay của ĐBSCL.