Ở đây đất đang sanh! (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Xuống rừng Vĩnh Hải bây giờ không thể chạy dọc theo ven biển vì rừng đã chắn hết. Từ mép nước dài ra ngoài bãi có đoạn lên đến hơn 700m. Còn chạy trên mặt đê biển thì mùa này trơn nhoét. Chỉ còn cách chạy theo quốc lộ Nam Sông Hậu rồi tìm đường đổ ra đê rồi vào rừng…


Đất đang sanh

Ở Âu Thọ B vẫn còn một xóm khá lớn nằm cạnh mé biển. Đó là xóm nhà ông Dương Miênh – lão nông 64 tuổi người Kh’mer, tổ trưởng Tổ 1 Nhóm Đồng quản lý. Ông đi vắng nên tôi xuống ngay đầu xóm, ở đây có một con đường xuống biển xuyên qua rừng phòng hộ.

Theo con đường ra biển dài quãng hơn 500m là tới bãi biển toàn là cát, nơi cư trú của nghêu. Con đường này vốn là những dải bùn trống được chừa lại khi trồng rừng. Bùn ngập khỏi cổ chân. Người đi sau lỡ không chú ý dẫm cho trúng vết chân người đi trước thì có khi ngập tới tận gối.

Lúc này đã gần 11h, nước triều đang lên nên những người ở bãi đang lục tục trở về. Tôi ước tính mỗi ngày phải có gần 1.000 người cả nam lẫn nữ, từ thanh niên cho tới trẻ con ra biển cào nghêu giống hay vào rừng bắt cua con, vớt cá kèo giống.

Đón đầu một tốp 5 đứa trẻ đi vợt cá kèo con về. Vạch giỏ của Tăng Lạc, năm nay 13 tuổi ở ấp Đại Bái A cạnh bên Âu Thọ B tôi đếm được quãng hơn 40 con cua hột tiêu, nó kêu bán 1.000đ một con cho đại lý. Còn Thạch Hoa, năm nay học lớp 7 cũng vừa ở biển về để chuẩn bị đi học cũng cân được hơn 200 gram cá kèo giống, tính ra đã kiếm được trên 80.000 đồng sau 4 giờ ngoài bãi biển.

Hóa ra bọn trẻ tranh thủ buổi sáng không đi học ra biển kiếm thêm tiền phụ cha mẹ mua gạo và để có tiền ăn quà. Những đứa trẻ bắt giỏi một ngày kiếm được trên 50.000 đồng là chuyện thường. Còn khi vào con nước triều (từ rằm đổ về cuối tháng ) thì lượng cá kèo, cua con nhiều hơn ngày thường gấp 5-7 lần, có người một ngày xúc được cả nửa ký cá kèo giống.

Anh Lâm Thương, một đại lý thu mua cá kèo, cua con ở ấp Đại Bái A cho biết: “Cách đây 4-5 năm, vùng này chưa có cá kèo và cua giống. Từ khi rừng ven biển mọc lên, bãi bồi và rừng càng nhiều thì lúc đó bắt đầu có cá kèo con và cua con. Trước đó ở dọc vùng này dân chủ yếu làm rẫy, bắt nghêu, đẩy xiệp là chính.”

Anh bảo thực ra người ở đây chưa biết đến việc này bắt cua con, cá kèo giống để bán. Chỉ từ khi có những chủ vuông, nhà vựa ở Bạc Liêu lên đây đặt mua con giống và chỉ cách bắt, cách thu mua và gom giống thì mới có thêm “nghề bắt và vựa cá kèo”.

Cũng trên những con đường, con mương đổ ra biển xuyên qua đai rừng phòng hộ, nhiều chủ đã đặt những cái đó lớn hoặc đặt lưới để chặn bắt cá kèo, cua con. Lưới và đó mùng khi nước triều lên thì chìm dưới mặt nước, khi nước rút sẽ đón dòng nước rút ra để gom những loài thủy sản bị mắc vào.

Trên đường quay ra, tôi làm quen anh Lý Tha, thành viên tổ hai của Nhóm Đồng quản lý. Anh mới cất nhà ngoài đê Âu Thọ B hơn 4 năm nay. Ngoài nền nhà thì anh có hơn 4 công đất làm rẫy chạy dài từ chân đê ra đến chấm mí ven rừng. Vụ rẫy vừa qua anh làm được 2 công hành tím, hơi eo vốn nên ít phân bón, chỉ thu về gần 4 tấn hành. Cái may là bán ngay từ đầu vụ lúc có giá nên cũng còn lời hơn 14 triệu đồng.

Mùa này anh xuống giống đậu phộng nhưng coi mòi không êm lắm. Biết tôi có ý định “vô rừng và ra biển” anh cười khà khà “Ngày mai xuống sớm đi với tui. Con nước này đang lớn nên tới chiều mới ròng. Ngày mai xuống đây lúc 12 giờ thì mình đi là vừa vì khi ấy nước bắt đầu xuống”.

Chú Dương Miênh đi xóm về ghé qua rủ tôi lên đê. Khoát rộng tay, ông bảo: “Chỉ cách đây chừng chục năm thì nước biển khi lớn đã vô tới mé rẫy nên lúc đó phía ngoài rẫy luôn được ven lên một giồng cát nhỏ, trên đó trồng cây me keo để giữ bờ, chận nước mặn vô. Còn bây giờ thì không cần, bởi vì nước chỉ lên tới mé bìa rừng nên người dân mở rẫy ra phía biển không còn lo nữa.”

Tôi buột miệng hỏi: “Vậy là đất đang nở ra?”

Chú Dương Miênh cười, con mắt lộ rõ nét vui: “Phải, ở đâu đất không sanh chớ ở đây đất đang sanh. Cậu thấy những lớp sình cứ ngày càng bồi dày dọc theo bãi không? Sình cứ bám theo cây đước, cây mấm mà bồi thêm. Đẩy bãi cát ra càng xa phía ngoài.”

Anh Lý Tha nói chen vào “Đất sanh thì người đỡ khổ chớ như lúc trước, lo đắp bờ, lo biển lấy đất cũng rầu thúi ruột chớ chưa tính tới chuyện mỗi lần dời nhà là một lần khổ. Nghèo ba năm là ít”.

Vui mừng nhiều, băn khoăn cũng không ít

May mắn thay, đợt tôi ở lại Vĩnh Châu cũng là lúc đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đang đi kiểm tra hoạt động của Dự án Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tại tỉnh Sóc Trăng (GTZ), tại khu vực “Đồng quản lý” ở ấp Âu Thọ B. Sau khi khảo sát 120ha rừng do dự án tham gia quản lý (trong đó có 20 ha rừng Đước và Đưng do GTZ tài trợ), đoàn đã làm việc tại nhà chú Thạch Soal – trưởng nhóm đồng quản lý.

Kể về sự hình thành nên Nhóm Đồng quản lý, ông Thạch Soal – trưởng nhóm – cho biết nhóm được thành lập vào tháng 01/2009 với 06 tổ cùng 240 hộ thành viên, hiện nay nhóm đã phát triển lên 299 hộ với 7 tổ và vẫn còn một số hộ cũng đang xin tham gia vào nhóm.

Nhóm và ngành chức năng, chính quyền địa phương đã cùng soạn thảo 1 bản quy chế với những điều dễ hiểu, dễ thực hiện. Bản quy chế đã chỉ rõ những ai được làm gì? ở khu vực nào trong rừng thì ai được làm gì? Những vi phạm sẽ được những thành viên đồng quản lý can thiệp như nhắc nhở, giáo dục hoặc báo với ngành chức năng để xử lý.

Nhưng, điều quan trọng nhất là các thành viên của nhóm đề đã có ý thức cao về tầm quan trọng của việc phải bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và khai thác hợp tài nguyên dưới tán rừng. Chỉ đơn cử một việc nhỏ là: tất cả các thành viên đều đã thay những cái bếp cà ràng nấu ăn rất hao củi bằng loại bếp cải tiến ít hao củi do dự án cung cấp mẫu.

Họ đã hiểu rõ những lợi ích mà tán rừng đã mang lại cho họ cả về kinh tế và môi trường. Việc chặt củi trong rừng tuy vẫn còn nhưng đã giảm nhiều so với trước và mức độ cũng chỉ ở mức – chặt cây khô, cành chết chứ không phải là đốn cây lớn còn sống như trước.

Điều mà các đại biểu hội đồng nhân dân rất quan tâm xoay quanh câu hỏi “Nếu mới chỉ có các thành viên của nhóm đồng quản lý có ý thức cao về việc bảo vệ rừng và khai thác tài nguyên rừng hợp lý thì hiệu quả của dự án đã đạt được hay chưa”?

Có vị còn băn khoăn: “Vậy ai là người đóng vai trò “chủ lực” để cùng nhóm đồng quản lý bảo vệ và xử lý những vụ việc vi phạm? Bởi các bên tham gia “đồng quản lý” có nhiều ban ngành khác nhau, cả bên kiểm Lâm, cả chính quyền địa phương, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phòng tài nguyên và môi trường, bộ đội biên phòng… Vấn đề đặt ra quả thực là rất cần thiết, bởi nghe nói lại dạo trước, ông Thạch Soal đã bị một số đối tượng đe dọa nhưng sự việc sau này mới được báo cáo lại.

Về mặt quản lý nhà nước, có rất nhiều ban, ngành cùng tham gia quản lý một diện tích biển, ven biển. Vậy nếu đặt ra vấn đề “đồng quản lý”, ai sẽ thực sự là người chủ của những cánh rừng ngập mặn kia?

Hiện tại “đồng quản lý” mới chỉ triển khai ở 120ha rừng phòng hộ ven biển của huyện Vĩnh Châu. Có thể nói đó mới chỉ là một diện tích nhỏ, dễ quản lý. Vậy nếu như sau này mở rộng trên toàn tuyến 72 km của tỉnh thì sao, liệu vấn đề quản lý có còn đơn giản và dễ dàng nữa không?

Tuy nhiên, đây chỉ là những câu hỏi chất vấn mang tính “đặt vấn đề” để trong thời gian tới, cung cách bảo vệ rừng theo biện pháp “đồng quản lý” được mở rộng ở các địa phương khác trong tỉnh cũng có nhiều diện tích rừng phòng hộ như Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung phải chú ý ngay từ ban đầu khi xây dựng dự án ở địa phương mình.

Còn ở Âu Thọ B, 120ha rừng được “Đồng quản lý” hiện nay vẫn đang lên xanh tốt và đất ở nơi đây vẫn “đang sanh, đang nở ra”. Mà đất “sanh” thì đất chắc sẽ không bị “chìm” như ở thành phố. Phải chăng đây cũng là một biện pháp đầu tiên để đối phó với vấn nạn biến đổi khí hậu?