Đổi mới ở châu Á: Nhanh nhưng không đồng đều

ThienNhien.Net – Đây là kết luận từ một báo cáo mới của Công ty tư vấn Thụy Sĩ – Hàn Quốc SolAbility, dựa trên nguồn thông tin và cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan Liên Hợp quốc (UN).

Theo báo cáo trên thì các quốc gia châu Á đang xếp ở tốp đầu bảng xếp hạng về mức độ cạnh tranh và đổi mới bền vững toàn cầu, tuy nhiên mức độ này lại có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong châu lục, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng mức độ cạnh tranh và đổi mới bền vững toàn cầu (Ảnh: Innodeas)

Báo cáo cho biết Singapore là nước đứng đầu về mức độ cạnh tranh và đổi mới bền vững; xếp ngay sau đó là Hàn Quốc; Nhật Bản đứng vị trí thứ 4; còn Trung Quốc ở vị trí thứ 11.

Đáng nói, chỉ có ba quốc gia Đông Nam Á nằm trong tốp 50 nước đứng đầu về mức độ cạnh tranh và đổi mới bền vững là Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Cũng theo báo cáo của SolAbility, các nước được xếp hạng cao về mức độ đổi mới có nhiều khả năng thành công hơn trong phát triển kinh tế dựa vào nghiên cứu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ.

Từ thực tiễn các quốc gia Đông Nam Á, ông Andy Gebhardt, trưởng cố vấn của SolAbility, nhận định: “Mặc dù đa số các quốc gia Đông Nam Á đều có nguồn tài nguyên dồi dào, song hiệu quả sử dụng vốn tự nhiên và mặt bằng giáo dục của các nước này vẫn còn thấp so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dẫn đến mức độ đổi mới, năng lực sản xuất cũng như chất lượng chăm sóc sức khỏe của họ thấp hơn các nước đạt thứ hạng cao”.

Không đồng tình với lý giải trên, ông Norarit Bisonyabut thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) cho rằng không nên dùng xếp hạng mức độ đổi mới để đánh giá tất cả các nước bởi đổi mới chỉ diễn ra khi các nước đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định.

Xét ngay trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bên cạnh những nước phát triển mạnh như Singapore, Brunei, vẫn có những nước còn đang trong giai đoạn tiền phát triển như Lào, Myanmar.

Và điều trước mắt cần làm đối với những nước như Lào hay Myanmar không phải là đầu tư vào đổi mới mà chính là thay đổi cơ cấu kinh tế bằng cách chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

Bảng xếp hạng mức độ cạnh tranh và đổi mới bền vững toàn cầu của Công ty tư vấn Thụy Sĩ – Hàn Quốc SolAbility tiến hành đánh giá xếp hạng 176 quốc gia trên cơ sở dữ liệu liên quan tới giáo dục, cơ sở hạ tầng cơ bản, môi trường kinh doanh, các chỉ số kinh tế, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D).