Ở đây đất đang sanh! (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Trong suốt dải rừng phòng hộ ven biển của huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng dài hơn 45km từ cửa sông Mỹ Thanh (xã Vĩnh Hải) chạy dài tới xã Lai Hoà (ranh giới tỉnh Bạc Liêu), tôi ấn tượng nhất là cánh rừng nằm ngoài đê ở ấp Âu Thọ B của Vĩnh Hải. Rừng ken dày, trải một màu xanh mượt ra tận biển.


Những chuyện trước khi có rừng…

Hai mươi năm trước, bãi ven biển ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn chủ yếu là cát. Bãi cát rộng và trải dài suốt từ thị trấn Vĩnh Châu đến tận bãi Trà Sết ở xã Vĩnh Hải. Khi nước triều xuống, người ta chạy xe Honda thoải mái từ thị trấn Vĩnh Châu xuống Vĩnh Hải ra bãi nghêu Trà Sết, xuống bãi biển Hồ Bể dọc theo triền cát ven bờ dài ngút mắt.

Bãi nghêu Trà Sết khi ấy cũng là một điểm dã ngoại thú vị của các cô cậu học trò. Nước triều xuống, chỉ cần ra cách bờ chừng 1km, sục chân xuống cát là đã có thể chạm vào nghêu. Nghêu lớn, con nào con nấy to như trái bần nằm sắp lớp dưới cát. Những giồng cát ven biển được cư dân các xã Vĩnh Châu, Lạc Hòa, Vĩnh Hải canh tác hoa màu hàng năm với đặc sản nổi tiếng của xứ này là hành tím.

Cuộc sống sẽ vẫn yên bình nếu như không có đợt triều cường vào quãng tháng 9 năm 1992. Khi ấy, nước biển tràn vào tới tận chợ Vĩnh Hải. Cả tuyến ven biển của huyện Vĩnh Châu ngập chìm trong nước biển. Hơn 1.200 ha rau màu của huyện mất trắng.

Cũng từ khi ấy thì ở vùng này người ta nói nhiều đến hai chữ “biển lấy”. Biển không chỉ lấy đất mà còn lấn dần vào bên trong. Sóng biển ì oạp ngày đêm đánh vào chân những nổng cát ven biển cho đến khi không còn dấu tích của bất kỳ nổng cát nào dọc theo tuyến biển này.

Theo kinh nghiệm của bà con ở đây thì chính những nổng cát đã biến mất ấy trong suốt nhiều năm đã cản gió, ngăn không cho nước biển xâm nhập vào những rẫy hoa màu trong đất liền.

Ngày 30/05/1994, đê biển – đê sông Sóc Trăng chính thức được hoàn thành. Tuyến đê này có tổng chiều dài tới hơn 86km, bao trọn huyện Vĩnh Châu dọc theo sông Mỹ Thanh, vòng qua bãi Hồ bể và dọc theo ven biển đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu. Cũng từ thời điểm này mà việc trồng rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng cũng như ở huyện Vĩnh Châu được chú ý.

Gian nan trồng rừng

Ngồi trò chuyện cùng anh Lý Hòa Khương, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, điều phối viên của Dự án hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Quản lý Nguồn tài nguyên Thiên nhiên tại Tỉnh Sóc Trăng” cho biết ngay từ giữa năm 1993, Chi cục kiểm lâm Sóc Trăng đã tiến hành trồng thử nghiệm rừng ven biển ở các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải và Vĩnh Tân, với loại cây chủ lực là đước.

Khá lý thú là sau khi cây Mấm đã trụ được trên mặt bãi thì cây Đước lập tức được trồng chen vào và ken dày chỉ sau 2 năm được trồng thì đã hình thành rừng non. Từ đây, những dự án về trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng cũng được tiến hành.

Nói rằng phục hồi là bởi ở khu vực đầu Cồn Sỏ, Nông trường Vĩnh Hải vốn đã có hàng trăm héc ta rừng đước được trồng từ những năm trước (từ 1978 – 1984), nhưng nay đang bị chặt phá nhiều để lên vuông nuôi tôm. Để tiện việc lấy nước và mở rộng diện tích ao nuôi, những chủ đầm tôm đã dọn sạch cả dải rừng đước hàng chục năm tuổi ở phía trong đê.

Sau đợt triều cường, những bờ đê, bờ bao phía ngoài không còn rừng đã bị sóng đánh bể sạch, chỉ còn lại những đoạn bờ đê còn dải rừng ngập mặn chen phía ngoài.
Sau mỗi đợt trồng rừng, diện tích rừng lại được mở rộng hơn. Đến nay, đai rừng phòng hộ đã trải dài theo suốt cả dải ven biển phía ngoài đê, từ cửa sông Định An (ranh giới tỉnh Trà Vinh) đến tận hết xã Lai hoà, giáp với Bạc Liêu. Diện tích rừng phòng hộ ven biển – kể cả rừng trồng và rừng tự nhiên của tỉnh Sóc Trăng hiện nay là 5.300ha, riêng ở huyện Vĩnh Châu đã là hơn 3.000 ha rừng.

120 ha rừng ở ấp Âu Thọ B hiện nay do Nhóm đồng quản lý coi sóc là diện tích rừng được trồng vào năm 1997. Rừng trồng được hợp đồng với người dân cư trú vùng ven biển, sau khi đo đạc – cặm ranh thì người dân nhận và trồng cây giống , cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra, nghiệm thu.

săn tìm sâm đất

rừng bị phá do bới tìm sâm đất

Cả mảng rừng non bị phá nát vì người dân bới tìm sâm đất

Có những diện tích rừng phải trồng đi trồng lại tới hai, ba lần do xác định thời điểm trồng không đúng. Cây giống mới cấy xuống chưa ra đủ rễ đã bị những con sóng trong mùa “chướng” (mùa gió bấc bắt đầu từ tháng 9 âm lịch) vỗ bờ nhổ cuốn ném vào trong bờ hoặc bẻ gãy.

Những người kiểm lâm, tâm huyết với nghiệp trồng rừng có lẽ là những người xót nhất khi phải chứng kiến cảnh này, mảng rừng trồng nham nhở như miếng da beo. Toàn tuyến rừng phòng hộ này hiện giờ dài trên 45km trải từ cửa sông Mỹ Thanh đến xã Lai Hòa giáp với Bạc Liêu.

Trồng rừng khó, giữ cho được còn khó hơn bội phần. Anh Hoàng Đình Quốc Vũ, người đang điều phối đội Dự án huyện Vĩnh Châu cho biết, việc chặt phá rừng còn chưa đáng sợ bằng nạn đào đất bắt đồm độp (sâm đất) mới bùng phát vào cuối năm ngoái.

Mỗi kí lô đồm độp bán được tới trăm tư, trăm rưỡi ngàn nên những người đi đào đồm độp bất chấp cây lớn, nhỏ. Họ chặt cả gốc, đào cả rễ cây không thương tiếc. Mảng rừng mắm tiêu điều không khác gì mặt trận bị rải thảm bom B.52.

Vấn đề nằm ở chỗ rừng không là của chung, trong khi người dân thì lại chịu sức ép mưu sinh hàng ngày, lại quan niệm “của trời cho ai bắt nấy ăn” nên dẫn đến việc chỉ có 7 anh kiểm lâm nhưng phải lo đi tuần, bảo vệ hơn 1.000 ha rừng quả là chẳng thấm vào đâu. Chính từ đây, mới có sự xuất hiện của nhóm “Đồng quản lý”.

Nhóm đồng quản lý được thành lập nhằm thiết lập một hệ thống lợi ích cho nhiều bên liên quan, dẫn đến cải thiện việc bảo vệ rừng ngập mặn thông qua quy hoạch tổng hợp việc sử dụng nguồn tài nguyên và thử nghiệm thực hiện phương pháp tiếp cận đồng quản lý có sự tham gia với nhóm đối tượng chủ yếu là các cộng đồng người dân tộc Khmer sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên vùng ven biển. Đây là mô hình đầu tiên về quản lý rừng ngập mặn ven biển ở Sóc Trăng.