Nguy cơ lan rộng dịch lở mồm long móng

ThienNhien.Net – Trong khi dịch cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát, dịch lợn tai xanh có dấu hiệu chững lại thì dịch lở mồm long móng trên gia súc lại đang có nguy cơ lan rộng.


Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) ngày 05/10 cho biết, trong 2 tuần qua, dịch lở mồm long móng đã phát sinh thêm tại 4 tỉnh Sơn La, Sóc Trăng, Long An và Bình Phước, nâng tổng số tỉnh trên cả nước có dịch là 7 tỉnh (Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sơn La, Bình Phước, Long An, Sóc Trăng).

Tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đang bị dịch lở mồm long móng, do vậy, Cục Thú y cho biết, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan ra khu vực xung quanh và một số tỉnh ở biên giới nước ta là rất cao.

Nguyên nhân chính theo Cục Thú y vẫn là do một số địa phương không quản lý tốt việc vận chuyển gia súc. Tại các tỉnh như Sơn La, Sóc Trăng, Bình Phước, nguồn bệnh xuất phát từ đàn bò hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã nghèo đặc biệt khó khăn. Do đó, Cục Thú y đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc cũng như quá trình vận chuyển gia súc đến các địa phương.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm, nguy cơ dịch lở mồm long móng phát tán và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do đàn gia súc đến kỳ tiêm phòng nhắc lại; các hoạt động vận chuyển qua biên giới, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm soát triệt để.

Ông Hoàng Văn Năm yêu cầu, cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân đã để dịch lây lan như hiện nay. Đồng thời, các tỉnh phải thực hiện nghiêm Thông tư 22/2009/TT-BNN ngày 28/04/2009 và Thông tư 27/2009/TT-BNN ngày 28/05/2009 của Bộ NNPTNT, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, nhập khẩu gia súc. Chấn chỉnh hoạt động của các dự án phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Cục Thú y cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát chủ động đến từng hộ chăn nuôi nhằm quản lý tốt đàn gia súc mắc bệnh nhưng không tiêu hủy, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh hoặc dịch còn ở diện hẹp.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, chấn chỉnh công tác kiểm dịch nội địa cũng như qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm mọi trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật.