Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của địa phương, đến nay, tỉnh Cà Mau có nhiều công trình cấp nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa.


Cà Mau có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, nguồn nước mặt chủ yếu là nước mặn hoặc nhiễm phèn, nguồn nước ngầm ở một vài nơi bị hạn chế về chất lượng và trữ lượng, đã gây ảnh hưởng đến sinh họat thường ngày của người dân nông thôn. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, đồng thời, nâng cao nhận thức trong mỗi cá nhân về vệ sinh công cộng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời kỳ công nghịêp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Được biết, đến nay tỉnh có khoảng 140.000 giếng khoan, trong đó có 170 giếng tập trung của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS & VSMT) cung cấp cho cụm dân cư; 43 trạm cấp nước của Công ty cấp thoát nước và công trình đô thị quản lý. Toàn tỉnh, có khoảng 1.027.000 người dân sống ở nông thôn, chiếm khoảng 80% dân số. Các công trình cấp nước xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh cho 75% người dân nông thôn (trong đó, công trình tập trung chiếm 36,5%, từ giếng khoan 35%, từ các nguồn khác 3,5%) và trên 80% xã có công trình nước sinh hoạt.

Ở khu vực nông thôn có khoảng 215.300 hộ dân đang sinh sống. Theo kế hoạch của Trung tâm NS & VSMT, đến hết năm 2009 sẽ có 21.663 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 48%, trong đó có 1.918 hộ gia đình có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, chiếm 14%. Các công trình công cộng như: nhà trẻ, trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã và các chợ có khoảng 36% công trình được cấp nước hợp vệ sinh và nhà tiêu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tổng kinh phí thực hiện các dự án của Chương trình khoảng 50 tỷ đồng. Các công trình cấp nước tập trung và công trình vệ sinh công cộng hoàn thành được bàn giao cho UBND xã – đơn vị thụ hưởng quản lý.

Theo đánh giá của Trung tâm NS & VSMT, các công trình đang được khai thác tương đối tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, do sự quản lý chưa chặt chẽ nên đã xảy tình trạng một số đơn vị quản lý, đơn vị thụ hưởng thiếu quan tâm bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.

Ông Lý Minh Khởi, Giám đốc Trung tâm NS & VSMT cho biết, 1m3 nước ở vùng nông thôn được thu với giá từ 2.000 – 2.500 đồng, số tiền thu được sẽ dùng để chi trả tiền điện, tiền công người quản lý công trình, số còn lại được lập thành quỹ để duy tu, sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm NS & VSMT sẽ làm đề án xin được trực tiếp quản lý, vận hành các mạng nước, sau đó khoán lại cho từng cá nhân, hàng tháng có kiểm tra, nhắc nhở để vừa khai thác tốt công trình, vừa trực tiếp thu tiền làm kinh phí duy tu, sửa chữa.

Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2010, tỉnh Cà Mau có 77% dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 58% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó có 17% hộ gia đình có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 68% nhà trẻ, mẫu giáo và 46,6% trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh,…rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân và các thành phần kinh tế vào sự phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nhân dân; đồng thời, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng địa phương, đảm bảo chất lượng nước, tăng tính bền vững cho công trình theo hướng đơn giản trong quản lý, vận hành, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và tiết kiệm đầu tư.