Mục tiêu “net zero” khó thành hiện thực vì thiếu tiền, thiếu nguyên liệu

Nút thắt về phía cung đang làm chậm lại nỗ lực net zero của thế giới.

Những tập đoàn toàn cầu gia nhập “net zero” 

Tháng 2.2021, Chính phủ Canada đã thành lập một cơ quan cố vấn độc lập quy tụ các chuyên gia khắp cả nước nhằm tư vấn cho Chính phủ những con đường tốt nhất để đạt mục tiêu thải khí net zero vào năm 2050. Canada là 1 trong hơn 120 quốc gia cam kết đạt net zero vào năm 2050. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia “đóng góp” đến 28% lượng thải khí carbon của thế giới, cũng đang trên đường tiến đến net zero vào năm 2060. Tại Nhật, đã có 408 địa phương (chiếm 87,2% dân số Nhật) trong đó có Tokyo, Kyoto và Yokohama cam kết sẽ đạt mục tiêu net zero vào năm 2050. Đó là một nỗ lực rất lớn của thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, sau tất cả những nỗ lực này, đã có một sự thay đổi ngoạn mục trong thái độ kinh doanh. Hiện giới đầu tư đang yêu cầu các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, một phần nhờ những công nghệ sạch đang ngày càng có tính cạnh tranh hơn về chi phí. Hãng xe sang Volkswagen và tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil đang phải chuyển đổi kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch như Orsted, một công ty lớn về trang trại gió, dự định sẽ tăng chi phí vốn (capex) đến 30% trong năm nay, hay hãng xe điện Tesla cũng tăng capex lên 62%…

Tuy nhiên, một nút thắt cổ chai chính là cội nguồn của mọi vấn đề và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt: nút thắt về phía cung, như các kim loại hiếm và căng thẳng đất đai đang đe dọa làm chậm lại nỗ lực xanh của thế giới. Đây không phải là vấn đề mang tính tạm thời mà đang trở thành một trở ngại lâu dài trong nhiều năm tới, giữa lúc sự chuyển hướng sang một hệ thống năng lượng sạch hơn vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Nếu không có biện pháp ứng phó, chính phủ các nước sẽ khó mà giữ vững được cam kết đạt tới mục tiêu thải khí net zero.

ExxonMobil đã cam kết đầu tư 3 tỉ USD vào các dự án thu giữ carbon và các dự án năng lượng phát thải thấp hơn trước năm 2025. Ảnh: AP.

Có thể thấy sự chuyển hướng đột ngột trong việc phân bổ các nguồn lực đang tạo ra những căng thẳng khi nhu cầu tăng mạnh đối với nguyên vật liệu và cuộc tranh giành một số rất ít dự án được cơ quan quản lý thông qua. Giá cả của 5 loại khoáng sản được sử dụng trong xe điện và lưới điện đã tăng 139% trong năm vừa qua. Loại gỗ nhẹ balsa được sử dụng trong các cánh quạt tua-bin gió cũng đang được săn lùng.

Giữa lúc đó, tháng 2.2021, một cuộc đấu giá tại Anh nhằm giành quyền khai thác đáy biển đối với các trang trại gió ngoài khơi đã mang về lên đến 12 tỉ USD vì các công ty năng lượng bất chấp giá nào cũng phải giành lấy cơ hội này. Và khi một lượng vốn lớn chạy theo chỉ một số ít công ty năng lượng tái tạo thì mức định giá cũng bị thổi phồng lên. Mặc dù tỉ trọng của ngành năng lượng tái tạo trong rổ chỉ số CPI vẫn còn thấp, nhưng một số chuyên gia lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung trong nhiều năm có thể đẩy lạm phát lên cao.

Nút thắt vốn và hạ tầng

Trong khi đó, một số công nghệ cần thiết cho phát triển năng lượng xanh đến bây giờ vẫn chưa thành hình. Đó là lý do vì sao rất cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, những năm 2020 và thập kỷ tiếp theo được nhận định là thời đại của trí tuệ, với sự phát triển các công nghệ mới, kèm theo một lượng chi tiêu vốn khổng lồ.

Để giữ vững mục tiêu net zero, đến năm 2030 sản xuất xe điện hằng năm cần phải cao hơn 10 lần so với năm ngoái và số lượng trạm sạc pin ven đường phải gấp 31 lần. Công suất lắp đặt điện tái tạo cũng cần phải tăng gấp 3 lần. Các tập đoàn khai khoáng toàn cầu có thể phải tăng công suất sản xuất hằng năm đối với các khoáng sản thiết yếu lên 500%. 2% diện tích đất ở Mỹ sẽ phải được “phủ” bởi các tua-bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời.

Ảnh: The Guardian.

Tất cả những điều này sẽ cần một lượng vốn đầu tư rất lớn, lên đến khoảng 35.000 tỉ USD trong thập niên tiếp theo, tương đương 1/3 giá trị tài sản hiện nay của ngành quản lý quỹ toàn cầu. Kể từ thập niên 1990 hệ thống các chuỗi cung ứng xuyên biên giới và các thị trường vốn đã cách mạng hóa cả thế giới, nhưng hệ thống này đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, khi đầu tư năng lượng hiện chỉ đạt phân nửa so với mức yêu cầu và chỉ tập trung ở một số ít nước giàu và Trung Quốc. Một bằng chứng là dù giá kim loại đang tăng mạnh nhưng các công ty khai khoáng vẫn còn e ngại trong việc gia tăng nguồn cung.

Lý do chính cho sự e ngại đầu tư này là mất thời gian quá lâu để một dự án được phê duyệt, trong khi rủi ro và mức lợi nhuận thu về vẫn còn chưa rõ ràng để nhà đầu tư và doanh nghiệp can đảm dấn bước. Chính phủ một số nước đang làm mọi thứ tồi tệ hơn khi “mượn” chính sách khí hậu để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị của họ.

Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường kiểm soát giá cả đối với quặng sắt, đồng và các hàng hóa quan trọng khác trong kế hoạch 5 năm (2021-2025). Tương tự, kế hoạch xanh của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại ưu tiên tạo công ăn việc làm và bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Chính sự thiếu minh bạch và pha trộn giữa mục tiêu xanh với chủ nghĩa bảo hộ đang làm chậm lại những nỗ lực đầu tư cần thiết.

Vì thế, chính phủ các nước cần phải kiên quyết hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới truyền tải điện và cả trong hoạt động R&D. Nhưng ưu tiên trên hết là phải tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân. Muốn vậy, trước hết phải nới lỏng các quy định. Lấy ví dụ, trung bình một dự án khai thác mỏ trên toàn cầu phải mất 16 năm mới được phê duyệt, như một dự án gió ở Mỹ mất hơn 1 thập niên mới được cơ quan chức năng thông qua – một lý do khiến công suất điện gió xa bờ của Mỹ bằng chưa tới 1% của châu Âu.

Thứ 2, chính phủ các nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc giải quyết những rủi ro. Chính phủ có thể đưa ra bảo đảm cho nhà đầu tư trong một số lĩnh vực, chẳng hạn đảm bảo giá tối thiểu đối với năng lượng sạch được tạo ra. Chính phủ các nước phương Tây cũng có thể cấp vốn rẻ để cải thiện đầu tư ở những nước nghèo hơn. Nhưng vấn đề mấu chốt là cần phải đưa ra cơ chế giá carbon để nhà đầu tư và doanh nghiệp có định hướng và tầm nhìn dài hạn hơn đối với phát triển năng lượng xanh. Hiện nay chỉ 22% lượng khí thải nhà kính của thế giới là có cơ chế giá.

Những nút thắt xanh này là dấu hiệu cho thấy một thế giới khử carbon sẽ còn phải chờ rất lâu mới có thể đi từ lý thuyết đến hiện thực. Giữa lúc ấy, lượng thải khí đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại khi nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. “Chúng ta chứng kiến lượng thải khí vẫn tiếp tục tăng lên và sẽ tăng cho đến hết năm 2030. Điều đó có nghĩa là chính phủ các nước sẽ khó mà đạt được tham vọng net zero”, Tiến sĩ Bill Hare, sáng lập và CEO Climate Analytics, lo ngại.