Cao nguyên đá trước ngày chinh phục thế giới? (Kỳ 3)

ThienNhien.Net – Tìm hiểu thêm về việc Việt Nam đề xuất công nhận công viên địa chất toàn cầu cho cao nguyên Đồng Văn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, một trong những nhà khoa học tiên phong và có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ. Hiện ông đang công tác tại Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


– Thưa ông, ở Việt Nam có hồ Ba Bể và vịnh Hạ Long có thể xây dựng công viên địa chất nhưng chúng ta lại chọn cao nguyên đá. Vậy giữa cao nguyên đá và hai địa điểm nói trên có gì khác biệt?

TSKH. Vũ Cao Minh: Mỗi vùng có đặc thù riêng, nhưng tựu chung lại thì cả ba nơi Hồ Ba Bể , Vịnh Hạ Long và Cao nguyên đá Đồng Văn đều đặc sắc. Vịnh Hạ Long thì tiêu biểu với hiện tượng Karst trên biển, hồ Ba Bể thì lại là núi đá vôi gắn với hồ nước ngọt sâu và đẹp. Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi cao hẳn lên, ở đó đặc trưng với kiểu địa hình Karst khô, mang tính đặc sắc cả về khí hậu và văn hoá, với gần 20 dân tộc thiểu số.

Việc đề xuất cao nguyên đá trở thành di sản thế giới cũng xuất phát từ nguyện vọng của các nhà lãnh đạo địa phương, một phần bởi khi được quốc tế công nhận sẽ có nhiều cơ hội giúp phát triển kinh tế, xã hội tại chỗ.

Ở cao nguyên đá, thiên nhiên khắc nghiệt và đặc thù nên sản xuất kinh tế rất khó khăn. Thiếu nước, thiếu đất, thiếu nhiều tài nguyên cần thiết khác, giao thông cũng không được thuận tiện. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy lại tạo nên cái đặc thù, nếu ta biết tận dụng nó sẽ trở thành lợi thế đặc biệt, hấp dẫn người khác. Vì vậy mà cao nguyên đá Đồng Văn được lựa chọn và đề xuất sớm hơn các nơi khác.

– Theo báo chí đã đưa tin, hội nghị thượng đỉnh Mạng lưới các Công viên địa chất toàn cầu diễn ra tại Malaysia hồi tháng 4/2010 sẽ xem xét hồ sơ và quyết định “số phận” Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng sau đó báo chí cả trong và ngoài nước gần như không có thông tin nào phản hồi. Liệu có vấn đề gì khó khăn trong việc đề cử của Việt Nam?

TSKH. Vũ Cao Minh: Thực ra không có trở ngại gì, giai đoạn đó chủ yếu vẫn đang hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để cuối năm nay UNESCO xem xét và quyết định. Phản hồi từ ban tổ chức về nội dung chuẩn bị hồ sơ là rất tốt, các chuyên gia đánh giá cao. Hiện nay chúng tôi đang cân nhắc một số điểm có khả năng xây dựng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, đặc biệt chú ý đến khu vực Mã Pí Lèng. Và mục tiêu này có thành công hay không phụ thuộc vào việc hồ sơ của mình có bộc lộ hết giá trị di sản hay không.

 TSKH. Vũ Cao Minh
TSKH.Vũ Cao Minh trong buổi phỏng vấn

– Tính đến thời điểm này nhiều điểm khai thác đá trái phép trên cao nguyên đá Đồng Văn đã bị cấm, nhưng hậu quả của việc khai thác trước đây tạo ra những hình ảnh rất phản cảm. Liệu những hình ảnh đó có ảnh hưởng đến quá trình chinh phục UNESCO?

TSKH. Vũ Cao Minh: Vấn đề khai thác đá trong thời gian qua không ảnh hưởng đến việc UNESCO có công nhận cao nguyên Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu hay không, bởi vì công viên địa chất toàn cầu khác với di sản thế giới. Di sản thế giới nghĩa là gần như mọi tác động vào công trình để phục vụ phát triển kinh tế sẽ bị cấm. Nhưng quy định về công viên địa chất toàn cầu thì nới lỏng hơn, cho phép khai thác và sử dụng một cách có kế hoạch và hợp lý, chẳng hạn có thể khai thác để làm quà lưu niệm cho du khách, nhưng hạn chế vừa phải.

– Giải pháp bảo vệ Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn sẽ như thế nào, thưa ông?

TSKH. Vũ Cao Minh: Giải pháp thì có nhiều, trước hết là các giải pháp quản lý, quy hoạch chỗ nào là tuyến đường đi thăm quan, điểm dừng chân, chỗ nào là tuyến đường giao thông, đồng thời phân loại ra mức độ riêng của từng khu vực, có nơi vẫn có thể trồng ngô, lúa nương, trồng cỏ nuôi bò…, cũng có thể xây dựng xí nghiệp chế biến chứ người ta không cấm tuyệt đối như trong di sản thiên nhiên. Công viên địa chất cho phép hoạt động kinh tế khai thác các lợi thế của cao nguyên đá như làm nhà cửa, ruộng bậc thang bằng đá để thu hút du khách thăm quan,…mọi lễ hội của bà con vẫn diễn ra trong công viên ấy.

Bên cạnh đó, cũng phải nâng cao nhận thức giáo dục cho bà con, đưa nội dung cần giáo dục tuyên truyền vào giáo trình giảng dạy cho các em học sinh cấp 1 và 2, giúp người dân ý thức được tầm quan trọng của món quà mà thiên nhiên đã trao tặng cho họ.

– Thưa ông, khi cao nguyên đá được công nhận là công viên địa chất, nó có tầm ảnh hưởng và lợi ích thực sự như thế nào đối với người dân?

TSKH Vũ Cao Minh: Trước mắt có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Ở những vùng núi thật xa, khi có bóng dáng du khách đến thăm quan, các đoàn nghiên cứu đến khảo sát, thì tự nhiên không khí cũng đầm ấm, đời sống sôi nổi hơn. Quan trọng hơn, khi nhận thức được nâng cao thì người dân biết phát triển kinh tế gắn với các giá trị của cao nguyên đá như dịch vụ du lịch, khi đó chấ lượng đời sống sẽ được nâng lên.

Ảnh hưởng sẽ lan truyền, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, sinh viên ở Hà Nội và các tỉnh khác có thể lên đó nghiên cứu thực địa về các giá trị địa chất mà lâu nay ta mới nói đến nhưng chưa có điều kiện đi sâu. Chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều luận văn, luận án tiến sĩ được tiến hành trên công viên địa chất. Việc mở rộng kết nối với mạng lưới công viên địa chất toàn cầu trên thế giới cũng sẽ giúp chia sẻ, phát hiện những giá trị khoa học mà chỉ ở đó mới có.

– Việc xây dựng các công viên địa chất là nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, hướng tới hình thành mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam. Vậy ông và các nhà khoa học còn dự định nào trong công cuộc xây dựng mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam?

TSKH. Vũ Cao Minh: Tôi chỉ là một trong rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Trước đây có PGS. TS. Trịnh Dánh là người dày công nghiên cứu từ rất sớm và có tập thể cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), đứng đầu là TS. Trần Tân Văn. Việc nghiên cứu vẫn đang được triển khai, cũng có mấy chục vị trí đang được các nhà khoa học đặt lên bàn cân để xem xét cho việc lập hồ sơ, xây dựng công viên địa chất vừa bảo tồn những giá trị khoa học, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

– Xin chân thành cảm ơn ông!

Cao nguyên đá trước ngày chinh phục thế giới? (Kỳ 1)

Cao nguyên đá trước ngày chinh phục thế giới? (Kỳ 2)