Cao nguyên đá trước ngày chinh phục thế giới (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Với biết bao tâm huyết và dày công nghiên cứu của các nhà khoa học, với nỗ lực của các nhà quản lý giúp người dân địa phương hiểu và gìn giữ các giá trị truyền thống nhằm đưa “rừng đá” lớn nhất nước ta đến với thế giới, liệu cao nguyên đá Đồng Văn có được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu hay không? Hy vọng rằng một tin vui sẽ được công bố trong tháng 10 tới.


Để cao nguyên đá là công viên địa chất toàn cầu

Ông Ma Ngọc Giang, Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Công viên địa chất là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác”.

Mục tiêu của việc xây dựng vùng cao nguyên đá trở thành công viên địa chất toàn cầu, ngoài việc giúp người dân thoát nghèo, nó còn mang một trọng trách vô cùng quan trọng là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Vậy nên trong quá trình xây dựng và vận hành cần tuân thủ những qui định về bảo tồn đối với từng đối tượng cụ thể, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn song song với khai thác và phát triển bền vững.

Từ xa xưa, người dân bản địa nơi đây đã sống dựa vào đá. Đá cũng là nguyên liệu để dựng nhà, xây tường rào…. Những năm gần đây có thêm sự xuất hiện của các doanh nghiệp khai thác đá lấy nguyên liệu cho xây dựng các công trình lớn và phát triển các ngành công nghiệp, cao nguyên cũng đã bị “gặm nham nhở” đôi phần. 

Sau khi Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập, cùng với việc xây dựng hồ sơ công viên địa chất đệ trình lên UNESCO, tình trạng khai thác đá đã được quản lý chặt chẽ hơn và dần đưa vào quy hoạch để hài hoà giữa nhu cầu phát triển của địa phương và mục đích bảo tồn di sản.

Nói về định hướng quy hoạch đối với cao nguyên đá trong tương lai, ông Giang cho biết: “Để hướng tới một công viên địa chất mang tầm quốc tế, Ban quản lý đã có những biện pháp nhằm nghiêm cấm nạn phá đá, đồng thời quy hoạch khu vực có thể khai thác và khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt. Việc khai thác vẫn có thể chấp nhận, nhưng phải theo quy hoạch và quy định chung, chẳng hạn như phải đảm bảo cách đường giao thông ít nhất 2 km để tránh gây mất mỹ quan đối với du khách…”.

 
Dòng Nho Quế đoạn qua đèo Mã Pì Lèng.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn đã thiết lập chương trình giáo dục cộng đồng khá dài hơi, dự kiến sẽ kéo dài trong năm năm 2010 – 2015, nhằm tuyên truyền cho cộng đồng địa phương những kiến thức cơ bản và tầm quan trọng của vùng di sản, những kỹ năng để họ có thể tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành công viên địa chất và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính gia đình mình, trong đó có chú trọng đến đối tượng thanh thiếu niên – chủ nhân tương lai của miền đất khó nhưng có giá trị bảo tồn và du lịch rất cao này,

Để quản lý và bảo tồn tốt nhất những giá trị của cao nguyên đá, ông Giang cho rằng vai trò của cộng đồng các dân tộc bản địa là rất quan trọng, vì họ chính là những chủ thể văn hóa làm sống dậy những giá trị bảo tồn của cao nguyên đá. Do đó, Ban quản lý đặc biệt quan tâm và khuyến khích các hoạt động sản xuất nông sản, vật sản, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm du lịch tại địa phương để nâng cao sinh kế và góp phần phát huy giá trị di sản của Công viên địa chất trong tương lai.

Cao nguyên đá trước ngày chinh phục thế giới (Kỳ 1)