Lưu vực sông châu Á chịu tác động khác nhau từ BĐKH

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây về các con sông châu Á cho biết, hai trong số những "tháp nước" của châu Á là lưu vực sông Brahmaputra và sông Ấn sẽ phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, trong khi một vài lưu vực sông khác có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng, thậm chí còn được hưởng lợi.


Hiện nay, một phần năm dân số thế giới vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nước từ các con sông Brahmaputra, sông Ấn, sông Hằng, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà – thường được gọi là tháp nước châu Á – đều bắt nguồn từ dãy Himalaya. Và cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, các lưu vực sông Châu Á sẽ chịu tác động ngang nhau từ biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc suy giảm lượng nước và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực. Tuy nhiên, nhận định đó đã bị phủ nhận.

Xuất phát về từ thực tế là chưa có một đánh giá thủy văn nào về tầm quan trọng của dòng sông băng tan chảy từ dãy Himalaya và tác động của biến đổi khí hậu tới nguồn cung nước này, một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đã tiến hành nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến lưu lượng các con sông châu Á.

Dựa vào các hình thái thời tiết kết hợp với việc đo lường lưu lượng nước trên các con sông qua các thời điểm, nghiên cứu đã cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh sự tan chảy của băng tuyết ở thượng nguồn, dẫn đến lưu lượng nước tăng nhanh, gây lũ lụt ở hạ lưu. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng sẽ làm khô các con sông lớn do lượng nước bốc hơi nhiều hơn.

Từ đó, nghiên cứu đã kết luận rằng tác động của biến đổi khí hậu là khác nhau đáng kể giữa các lưu vực sông châu Á. Đối với các lưu vực sông Ấn và Brahmaputra, biến đổi khí hậu có thể mang lại những ảnh hưởng nghiêm trọng do phần lớn người dân sống trong khu vực vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ở đây, chủ yếu là tưới tiêu cho nông nghiệp.

Nhưng ngược lại, người dân ở lưu vực sông Hoàng Hà, Trung Quốc lại có thể hưởng lợi, vì họ phụ thuộc ít hơn vào thủy lợi. Hơn nữa, lượng mưa ở đây cao hơn nên nước có thể được giữ lại trong các hồ chứa để sử dụng cho tưới tiêu.

Chính những tác động khác nhau này từ biến đổi khí hậu mà an ninh lương thực ở mỗi khu vực sông cũng có những mức độ thiệt hại không giống nhau.

Nhìn chung, các nhà khoa học ước tính, an ninh lương thực của 4,5% dân số của khu vực – khoảng 63 triệu người dân sẽ bị tác động tiêu cực do nguồn nước giảm. Do đó, cần phải ưu tiên các giải pháp thích ứng mạnh mẽ cho khu vực này.