Để sản xuất tôm-lúa bền vững ở ĐBSCL

ThienNhien.Net – Hiện nay, diện tích canh tác mô hình tôm – lúa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào khoảng 140.0000 ha. Mặc dù mô hình nuôi tôm luân canh trên ruộng lúa này đang cho thấy khả năng thích ứng với điều kiện canh tác của khu vực ven biển nhưng để có thể nhân rộng hơn hiệu quả mô hình canh tác mới thì cần phải tiếp tục có giải pháp.


Theo các nghiên cứu và thực tiễn sản xuất, những yếu tố về đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn, diễn biến mưa và tình hình xâm nhập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất thích ứng với cơ cấu sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm. Đây cũng là một hệ thống canh tác mới thích ứng với điều kiện canh tác của khu vực ven biển và mang tính bền vững trong khai thác tài nguyên thiên nhiên đất, nước, đồng thời tạo sự ổn định về thu nhập và nâng cao đời sống cho cư dân vùng nông thôn.

Tuy nhiên, diện tích canh tác mô hình này lại không ổn định. Mặc dù hệ thống sản xuất mô hình tôm – lúa đã được các địa phương quan tâm, nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên mô hình này chưa được đánh giá một cách đúng mức và chưa được đầu tư một cách thỏa đáng.

Chưa kể, thời gian qua, đã có tình trạng một số nông dân cố tình kéo dài vụ tôm làm đất bị nhiễm mặn, dẫn đến thiệt hại lớn khi gieo sạ.

Để khắc phục những tồn tại này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngoài hệ thống thủy lợi lớn như đê biển, cống điều tiết mặn-ngọt, các địa phương còn cần phải tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, hướng dẫn nông dân làm đê bao vuông tôm đúng kỹ thuật.

Kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác mô hình tôm – lúa ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang – một địa phương đã triển khai mô hình này khá hiệu quả trong thời gian qua là người nông dân phải tuyệt đối chấp hành lịch thời vụ do cơ quan chuyên môn khuyến cáo.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo vùng nên tập trung sản xuất 2-3 loại giống lúa chính, có tính chịu mặn tương đối tốt, gắn với xây dựng thương hiệu, không nên sản xuất tràn lan như hiện nay. Đồng thời, tăng cường hơn nữa chương trình khuyến nông – khuyến ngư về lúa tôm để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, gắn với đào tạo nghề để giúp người dân thêm nắm vững quy trình kỹ thuật.

Theo nhận định, với tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống canh tác tôm – lúa trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện còn rất lớn thì quy mô sản xuất có thể không dừng ở 140.000 ha như hiện nay mà đạt đến 200.000 ha.