Ngăn chặn buôn bán trái phép thú lớn họ mèo

ThienNhien.Net – Cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng Cảnh sát Môi trường Việt Nam vừa mới bắt giữ hai con hổ và một con báo đông lạnh trong nhà dân, tại tỉnh Nghệ An.


Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) cho biết, ba xác loài động vật trên cùng với 5 kg nghi là xương hổ đã bị tịch thu tại nhà của một người đàn ông 53 tuổi ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Đối tượng tình nghi cũng đã bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ là kết quả của sự nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng Cảnh sát Môi trường. “Thành công này một lần nữa đã chứng tỏ sự cống hiến của họ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài được bảo vệ như hổ,” ông Thomas Osborn, Điều phối viên Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng của TRAFFIC, nói.

Tuy nhiên, mặc dù được bảo vệ bởi luật pháp Việt Nam và quốc tế, các loài hổ và báo hiện nay vẫn tiếp tục bị săn bắt và buôn bán trái phép ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á để làm thực phẩm, đồ lưu niệm, xương, thuốc y học cổ truyền và ngâm ruợu thuốc.

Theo thông tin từ TRAFFIC, vào tháng 3 năm nay, Bộ đội biên phòng Lao Bảo, Quảng Trị đã phát hiện xác một con hổ (95 kg) và một con báo đen (27 kg) được vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam để bán. Trước đó, tháng 10/2009, Cảnh sát Môi trường Việt Nam cũng đã tịch thu 2 con hổ đông lạnh với tổng trọng lượng lên tới 130kg và bắt giữ năm kẻ tình nghi tại Hà Nội.

Với tình trạng này, theo ước tính của các tổ chức bảo tồn, chỉ còn khoảng 30 cả thể hổ hoang dã ở Việt Nam.

Ông Osborn nói “Nếu chúng ta muốn bảo vệ được những con hổ còn lại cũng như các loài bị đe dọa khác của đất nước thì cần phải có sự cảnh giác cao hơn nữa của các cơ quan thực thi pháp luật và cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ, thúc đẩy thực thi các luật hiện hành liên quan tới động, thực vật hoang dã”.

Hổ đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho các loài đang ở bên bờ tuyệt chủng, đặc biệt trong năm Canh Dần này. Với chỉ 3.200 cá thể ước tính còn sống sót trong tự nhiên trên toàn thế giới, hổ hoang dã đang bị đe dọa biến mất trong vòng một thập kỷ tới.

Hiện nay, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và TRAFFIC đang cùng hợp tác để nhằm thúc đẩy những cam kết về chính trị giúp nhân đôi số cá thể hổ vào năm hổ tiếp theo (2022).