Xây dựng Chương trình Tây Nguyên III

ThienNhien.Net – Dự thảo đề cương chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên – môi trường, kinh tế – xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030" (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên III), do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp thực hiện, vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.


Thông tin từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đề cương dự thảo Chương trình Tây Nguyên III được xây dựng với 4 mục cơ bản:

• Đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hoá, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau chương trình Tây Nguyên II, năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ khoa học công nghệ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030.

• Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên và các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo.

• Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hoá và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ Tây Nguyên.

• Nghiên cứu cảnh báo thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên Tây Nguyên; đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do các dạng thiên tai này gây ra.

Được biết, các cơ quan liên quan cũng đã tổ chức Hội thảo về đề cương nghiên cứu Chương trình Tây Nguyên III, thống nhất nhận định chung về việc cần thiết xây dựng một chương trình Tây Nguyên III với mục tiêu đánh giá điều kiện, tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn mới phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Có thể thấy, hơn 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới và Chương trình Nghiên cứu Tây Nguyên II, đến nay diện mạo của Tây Nguyên đã thay đổi cơ bản và toàn diện, cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Nếu như năm 1989 Tây Nguyên chỉ mới có gần 2,5 triệu người bao gồm 12 dân tộc, chủ yếu là dân tộc thiểu số bản địa như Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông… thì đến năm 2008 dân số Tây Nguyên đã tăng gấp đôi lên đến hơn 5 triệu người, với thành phần dân tộc cũng đã được mở rộng, gồm 47 dân tộc.

Mặt khác, là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều loại khoáng sản, tài nguyên với trữ lượng lớn như bauxite, đất đỏ bazan,.., Tây Nguyên càng cần có sự nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên-môi trường, kinh tế-xã hội để tiếp tục xây dựng và phát triển trong thời gian tới.

Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên I, từ 1976 – 1980) do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với mục đích điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Tây Nguyên nhằm xây dựng định hướng phát triển của vùng.

Chương trình xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên II, từ năm 1984 – 1988) do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì với sự phối hợp của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nhằm mục đích đánh giá toàn diện nhu cầu và điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng.