Chậm trễ trong việc củng cố, nâng cấp đê biển

ThienNhien.Net – Năm 2006, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với 13 tỉnh, thành phố. Từ đó đến nay, sau 5 năm thực hiện Chương trình mới đạt 20% kế hoạch.

Chương trình đề ra là đến năm 2015 phải nâng cấp, cứng hóa gần 1700km đê biển, trồng trên 7300 ha cây chắn sóng và cải tạo, xây mới hơn 1000 cống. Mục tiêu Chương trình phải đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%, ở những khu khu dân cư tập trung phải chống được gió bão cấp 12 với mực nước triều cường.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Chương trình mới nâng cấp được hơn 270km đê biển, xây mới và cải tạo 42 cống, diện tích cây chắn sóng đã trồng là 132 ha, và cơ bản hoàn thành việc tu sửa, đắp hàn những đoạn đê bị vỡ hỏng do bão năm 2005.

Lý giải sự chậm trễ đó, ông Trần Quang Hoài – Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Lụt bão, Bộ NN&PTNT – cho biết, các dự án nằm trong Chương trình này triển khai chậm do thiếu vốn. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa chú trọng việc trồng rừng ngập mặn, một số tỉnh còn cấp đất thuộc địa giới bảo vệ đê để nuôi trồng thủy sản. Tình trạng đào ao nuôi trồng trong khu vực phải trồng cây chắn sóng diễn ra mạnh tại nhiều địa phương.

Hiện Hải Phòng là tỉnh thực hiện tốt nhất việc trồng cây chắn sóng trong số 13 tỉnh thực hiện Chương trình. Do điều kiện nền cát, lại ngập sâu 1-1,5m nên Hải Phòng đã đào những hố sâu rồi vận chuyển đất từ những nơi khác đến. Bần chua và những loài cây ngập mặn có chiều cao lớn được dùng để trồng trong điều kiện này. Diện tích trồng xong được giao khoán 100% cho dân bảo vệ, quản lý kết hợp với khai thác thuỷ sản tự nhiên nên cây ngập mặn phát triển tốt.

Để hoàn thành việc củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển Quảng Ninh – Quảng Nam từ năm 2010 đến 2015, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Nhà nước đầu tư 1.300 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh quy hoạch diện tích rừng phòng hộ ven biển của địa phương và phải trồng xong trong vòng 2-3 năm tới.