Cánh chim rừng không mỏi: Nhật ký ở nơi "cuối đất cùng trời" (Kì 1)

ThienNhien.Net – Câu hát gió lộng của Tây Nguyên bảo, nắng đã nổ nứa, gió đã nghiêng núi rồi đây; tháng ba, mùa ăn năm uống tháng – mùa cao nguyên trung phần này đẹp nhất đã đến. “Tháng ba/ mùa con ong đi lấy mật/ mùa con voi ra suối uống nước”. Tháng 3 năm 2008. Bay Sài Gòn, bay ngược Buôn Ma Thuột, lại vượt gần 100km tính từ tỉnh lỵ của Đắc Lắc, Ea Súp hiện ra, đó là nơi mà không ít người di dân tự do coi là “thiên đường”.


Ông Phan Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp kêu trời: huyện chúng tôi có những xã, với xuất phát điểm là toàn bộ là bà con là người di dân tự do từ miền Bắc vào. Lúc đầu là vài hộ, rồi nhiều lên thành thôn, đông lên thành xã. Một xã và (có thể sẽ) dăm bảy xã. Chúng tôi, hiện giờ vẫn có những cái làng mà ta quen gọi là “bốn không, năm không”, như báo chí các anh vẫn hằng viết. Bà con nhảy dù vào giữa rừng và cứ “săn bắt hái lượm, phá rừng làm rẫy” thế thôi. Chuyện ấy ở địa bàn chúng tôi, báo chí viết rồi, Trung ương điện thoại vào, Phó Bí thư thường trực tỉnh Đắc Lắc của chúng tôi cũng đã vào kiểm tra, đau đầu kinh khủng. Bà con rất đáng thương, họ vào đó, họ cùng trời cuối đất rồi, sẽ là thật khó để di dời bà con hồi hương hay đến một vùng đất khác nữa. Bà con đói, chúng tôi phải lo, bà con bệnh (ốm đau), chúng tôi phải chữa – ông Lĩnh thẳng thắn một cách khả kính. Thì báo chí đã đăng tin, con số chưa cập nhật, cứ ghi lại để dễ hình dung cái đã: ít nhất toàn Tây Nguyên có gần 51.000 hộ dân di cư tự do vào, chưa được ổn định cuộc sống, cần phải định canh định cư; đáng lo ngại không kém là, khoảng 85.000 hộ dân thuộc diện di cư tự do đã được ổn định cuộc sống nhưng bà con vẫn “tọa lạc” trên đất lâm nghiệp.

 
Cần thống nhất khái niệm một chút: “ổn định trên đất lâm nghiệp”, thế nghĩa là chưa ổn định tí nào. Rừng sẽ tiếp tục bị cạo trọc như cái cằm người đàn ông đang ngồi ở tiệm hớt tóc cạo râu vì “lực lượng” ăn thịt lá phổi xanh kia.

 dân di cư
Cảnh màn trời chiếu đất, tạm bợ như dân “du mục” của đồng bào Mông khi mới đặt chân đến “miền đất hứa” Ea Súp, Đắc Lắc. (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng)

Nếu so với cái cách bà con gồng gánh, chất lên vai phụ nữ, đàn ông cả những toa đồ đạc ngất nghểu trong các cuộc di dân tự do mà tôi đã gặp ở miền núi phía Bắc nước ta, thì việc “di cư” vào Tây Nguyên hiện đại hơn nhiều.
 
Ông Lĩnh bảo, những người tiên phong đi “chọn đất”, họ thính nhạy và chuyên nghiệp vô cùng khi sử dụng các mối quan hệ dây mơ rễ má với người am hiểu vùng Ea Súp. Họ sử dụng cả những “cò”, “chỉ điểm… phá rừng”, với sự mua bán thông tin chuyên nghiệp. Họ đi xe mô tô, thấy đất, rừng “đẹp”, là họ rút điện thoại di động ra, a-lô cho gia đình, anh em, họ hàng cùng tiến quân vào.

Có khi cán bộ kiểm lâm lo mất rừng, ngăn chặn không cho họ lập lán “tụ cư” giữa rừng, họ rút phắt điện thoại di động ra, gọi cho một đồng chí mà nói tên ra chắc nhiều người biết. Đúng là đồng chí ấy, số máy ấy, giọng nói ấy, “thôi cố gắng tạo điều kiện cho họ ở”. Thì suy cho cùng, bà con cũng là đồng bào của mình, đất nước ông bà là đất nước xương máu ruột già của tất cả chúng ta, có ai không thương bà con mình đâu. Chúng ta sinh ra từ cái bọc trăm trứng mà.

Nhưng kiểm lâm thì phải giữ rừng, rừng mất, cấp trên “gõ đầu” ủy ban, kiểm lâm, công an, các hộ nhận rừng… thì ai gánh tội thay đây? Mà bà con chỉ thích nhảy dù vào những cái chỗ rừng theo đúng nghĩa để “phát, đốt, trọc, trỉa” (chính quyền địa phương từng thu xếp cho họ ra “định cư” ở những cánh rừng nghèo, họ “vâng, dạ” rồi lặng lẽ… trở lại rừng giàu!). Có khi, sáng tinh mơ ra coi khu rừng mà gia đình mình đang nhận khoanh nuôi bảo vệ, bà con ở xã Cư Kbang (Ea Súp) hoảng hồn thấy cây rừng đổ rạp. Một cái nhà lều mọc lên, cơm nước, giường chiếu lùm xùm kiểu “một mái lều nương hai trái tim vàng”. Cứ như có ai đó đã phù phép cho thành quách lâu đài mọc lên trên sóng biển trong chớp mắt vậy. Lục tục, hoang mang, chủ rừng đội đơn lên báo xã.


Đoàn liên ngành đến kiểm tra thì bà con mới đến rất là lịch sự. Em đến đây để làm lụng, kiếm ăn, nó cũng là bước đường cùng rồi các bác ạ. Không phá rừng, vì như thế là vi phạm pháp luật. Em chỉ chặt vài cái cây nhỏ, dọn một khoảnh đất dựng lều. Không đánh nhau với ai.
 
Ông K’Bốt, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắc Nông còn tủm tỉm: bà con nhanh nhạy lắm. Lúc nào cũng bảo, em biết em sai rồi, sờ theo quy định nào cũng là sai rồi, giờ đã vào đến đây thì trăm sự nhờ các bác. “Bảo cúng gà cũng cúng gà, cúng heo cũng cúng heo (ý là lót tay cho người địa phương)”. Họ làm lụng siêng năng.
 
Tại Đắc R’măng, cán bộ cơ sở kinh ngạc khi những người mặc thứ quần áo mà anh chị em chưa nhìn thấy bao giờ, họ “nhảy dù” từ phương Bắc vào, họ có thể làm quần quật suốt ngày đêm, có khi 22 giờ đêm vẫn miệt mài ngoài rẫy với củ khoai mỳ (sắn). Làm quên ăn quên ngủ, sắn của những người mới đến chất ngất khắp các quả đồi, đến mức, bọn tư thương phải tính cách tự vỡ đường cho công nông len vào mua sắn kiếm lời. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, một cán bộ xã khâm phục nói khi đội nắng chảng đưa tôi đi bở hơi tai vào trong các dãy núi chênh vênh đã bị người di cư tự do gọt hết rừng.

Cũng vì thế, từ chỗ có hơn chục hộ nhảy dù vào Đắc R’măng, khi chúng tôi có mặt, Chủ tịch UBND xã sở tại lo lắng thống kê: có tới 14 cái xóm của xã, toàn là người di dân tự do mới vào, tổng số là hơn 3000 người! Đến 2/3 dân số của xã giờ là người mới di cư từ phía Bắc vào. Trường học Lê Lợi trên địa bàn xã, rợp màu váy áo của người Mông. Chỉ có điều, nhiều cháu giấu xoong nồi trong hốc cây đầu trường, học xong, lúi húi nổi lửa, “màn trời chiếu đất” tự xách nước nấu cơm rồi lì lụt ăn với nhau cái bữa tiệc… núi xót lòng.
 
Là  một cán bộ tâm huyết, có lẽ phải đau đáu nhiều lắm với vấn đề di dân tự do hiện nay thì ông Chủ tịch Phan Xuân Lĩnh mới “nỡ” thẳng như ruột ngựa thế này: thương bà con, không thể đuổi bà con, khi họ đã trót neo đậu ở nơi cùng trời cuối đất này rồi. Nhiều khi, họp Hội đồng nhân dân huyện, không ít đại biểu nói gay gắt: ông Lĩnh phải giục tỉnh “giải quyết” nhanh vấn đề di dân tự do đang tàn sát nhiều cánh rừng đi chứ. Mùa mưa lại sắp tới, đem theo đói rét, bệnh tật rồi, cả một núi việc phải lo cho người ta đang đợi mình.
 
Vẫn biết thế, nhưng huyện cũng không thể tự tiện “tiền trảm hậu tấu” giao đất rừng cho bà con phá đi để mở rẫy mưu sinh ngay được. Quyết định vấn đề này là ở cấp trên. Cái việc di dân tự do, phá rừng nó còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhãn tiền nữa: có các cò mồi, móc nối để đưa dân vào phá rừng.
 
Có chuyện, bà con bản địa sẽ tị nạnh, rằng người ta di từ đẩu đâu đến, vừa đến đã được làm nhà, cấp đất ở, đất canh tác, ổn định cuộc sống, trong khi chúng tôi sống chết với đất này 30 năm rồi mà không có được như vậy.

Đã có chuyện, mình chia đất cho người mới đến, người mới đến ngồi nhìn đất được chia mà không dám làm, vì sợ “ma cũ” (bắt nạt ma mới). Lại có chuyện, bà con vốn sống ở rừng và đất rừng nơi này, họ phá rừng, phát rẫy rồi bán cho người mới đến. Người ta bỏ tiền ra mua thì rất khó đẩy đuổi người ta đi.
 
Hai nữa, cái anh vừa phá rừng bán rẫy xong, anh ấy lại tiếp tục đi phá để… bán. Thậm chí, họ còn tinh vi chặt một nửa thân cây gỗ rừng thôi, bỏ đó một đêm, cho gió cao nguyên lồng lộng thổi gẫy rạp cả cánh rừng. Rồi bà con “nhân tiện”, mượn gió bẻ măng, làm một khoảnh rẫy. Đó là một tảng băng chìm, nếu mạnh dạn nói ra thì có thể ai đó sẽ nói rằng thiếu căn cứ, song nó là sự thật.
 
Có thể, vì ở cương vị là Chủ tịch huyện, nên ông Lĩnh hơi thận trọng quá chăng, bởi cái con người dám nghĩ dám làm nhiều năm gắn bó với Ea Súp như ông mà còn sợ “thiếu căn cứ” khi nói tuột ra cái sự thật kia – thì ai có nhiều căn cứ hơn ông nữa? Mà những chuyện ấy, tôi và ông, và cán bộ của ông cùng tận mục sở thị, chứ nào có mơ hồ xa xăm gì?
 

 kiem lam tai vung Di dan
Anh Chinh, Phó hạt trưởng Kiểm lâm Ea Súp, Đắc Lắc tiếp xúc với người di cư tự do từ Bắc Hà, Lào Cai vào “chờ định cư” ở Cư K’bang (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

Lan man với thảm cảnh phá rừng một chập thì xe ô tô của huyện nhà đã đỗ xịch trước cửa Ủy ban. Trên xe có sẵn đồng chí Chinh, Phó hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, cái anh chàng miệt mài đi đẩy đuổi, khuyên giải người di dân tự do rồi: liên tục, lại thở dài nhìn những cánh rừng tiếp tục bị teo tóp như suốt bao nhiêu năm qua.

Rừng bị “chọc tiết” như một điều không thể khác. Nắng chang chang, ngọn cỏ rầu rầu – mặc kệ miền Bắc đang rét chết trâu chết bò, rét thảm khốc, mặc kệ nhà tivi vẫn đưa lên sóng hình quốc gia mấy em xinh tươi “hô phong hoán vũ”, gọi băng tuyết nước ta là “hiện tượng thời tiết thú vị”.

Mấy cậu thanh niên ở cái xã 100% di dân tự do này đều đã mua xe máy, họ phóng xe với tốc độ kinh tởm, trên cái con đường rèo rẹo toàn đá, sỏi, đất bột mà có lẽ đi bộ trên đó nhiều người cũng sợ… trượt chân ngã. Xe chúng tôi bật đèn để đề phòng tai nạn (như kiểu đi trong sương mù), họ rẽ bụi lao đến, như cào cào châu chấu lượn quanh ngọn đèn măng xông.


Rời huyện lỵ gần 20km, qua địa phận của những cái lâm trường, anh cán bộ huyện cứ khoát tay, chỗ này vốn là rừng, giờ là xã nọ xã kia, xã ấy toàn dân di cư tự do. Quặt chỗ này còn một cái điểm nóng, mấy chục hộ từ trên trời rơi xuống, phá rừng của tiểu khu X. làm rẫy, giờ ta ổn định cuộc sống, coi họ là cư dân của một cái thôn thuộc một cái xã đàng hoàng rồi. Chỗ này, qua điên thoại di động của “cùng tổ nhóm”, thấy dễ làm ăn, được địa phương tạo điều kiện tốt, người ta kéo đến ào ào. Hôm qua, vừa có thêm 10 hộ tiến quân vào xã này, góp thêm vào cái điểm nóng di dân tự do chưa biết giải quyết ra sao ngót trăm người nữa, tổng số là gần 600 người rồi anh ạ. Anh bảo, một chốc một lúc, ổn định làm sao được đời sống, lại còn điện đường trường trạm cho cả nghìn người? – vẫn là giọng ông Lĩnh.

 
Gần 600 dân trong xã Cư Kbang đang chờ “bố trí sắp xếp” vẫn ở đó. Bà con dựng lều nằm chờ được… cứu giúp. Với cán bộ huyện, đó là cái ung nhọt “đau đầu nhức óc” bậc nhất hiện nay. “Chúng tôi vừa đã bố trí cho 44 hộ di dân tự do được ổn định rồi, giờ “món” 600 người này, chưa biết phải làm sao. Kế hoạch, dự án thì dậm chân tại chỗ. Chờ chỉ đạo của cấp trên thôi” – ông Nguyễn Đình Toản, trưởng phòng kinh tế huyện, thở dài.

Chùm ảnh tang thương rừng bị phá, Tây Nguyên tháng 3/2008

 rừng bị cạo
 rừng đau
 rừng đau
 
rừng đau
 rừng đaurừng đau
(Nguồn ảnh, tính từ trên xuống: Ảnh1,3,5: PanNature, ảnh2,4: Đỗ Doãn Hoàng)