ĐBSCL: Nâng tầm giao thông đường thủy

ThienNhien.Net – Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo và mở luồng tàu biển mới qua kênh Quan Chánh Bố sẽ góp phần vào việc đưa tàu biển có trọng tải lớn vào sâu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổ chức lại luồng hàng vận chuyển TP.HCM – ĐBSCL nhằm chia tải cho giao thông đường bộ.


Đó cũng là những mục tiêu chính mà Cục Đường sông Việt Nam hướng tới trong Quy hoạch giao thông thủy cho ĐBSCL đến 2010, định hướng đến 2020 để nâng tầm mạng lưới giao thông đường thủy tại khu vực này.

Với đặc điểm địa hình sông nước, hoạt động giao thông đường thủy ở ĐBSCL có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội. Trong khi tỷ lệ hàng hóa và hành khách được vận chuyển bằng đường thủy trên cả nước trung bình là 34,5% và 15,3% thì ở ĐBSCL là 66% và 32%.

Đặc biệt tại TP.HCM, việc giao lưu hàng hóa với ĐBSCL bằng đường thủy chiếm đến 82%…

Mở rộng con đường huyết mạch giữa TP.HCM – ĐBSCL

Theo Cục Đường sông, trong năm 2010 sẽ hoàn thành dự án nâng cấp cảng Cần Thơ và các tuyến sông chủ yếu: TP.HCM đi Kiên Lương qua Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, TP.HCM-Trà Vinh, Bạc Liêu-Cà Mau…

Đặc biệt, dự án đầu tư “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và Long An dự kiến khởi công vào quý I/2011 và hoàn thành vào quý IV/2014. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, bởi kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối TP.HCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL, chuyên chở tới 65-70% khối lượng hàng hóa của ĐBSCL với thành phố này.

Thêm vào đó, khi hoàn thành, kênh Chợ Gạo sẽ tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển cả về giao thông đường thủy cả về đường bộ, giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh và ngược lại được thông suốt. Hiệu quả kinh tế từ dự án này là rất lớn.

Mở đường ra biển cho ĐBSCL

Cuối năm 2009, Cục Hàng hải Việt Nam đã khởi công dự án luồng tàu biển mới qua kênh Quan Chánh Bố để tàu có tải trọng tới 20.000 tấn có thể ra vào sông Hậu.

Theo Cảng vụ TP. Cần Thơ, hiện luồng tàu biển cửa Định An (dài 30km) trên sông Hậu đã bị bồi lắng nghiêm trọng. Độ sâu tại đây chỉ còn 1,9 m làm cho tàu có tải trọng từ 3.000 tấn trở lên phải đến các cảng tại TP.HCM để bốc dỡ hàng do không lưu thông được. Nhằm khắc phục tình trạng này, Cần Thơ đang triển khai dự án đầu tư 311 tỷ đồng nạo vét 5,7 triệu m3 cát sa bồi tại luồng Định An nhằm khôi phục độ sâu luồng đạt 3m để tàu 10.000 tấn có thể lưu thông.

Tuy nhiên, về lâu dài, luồng tàu nói trên vẫn không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường biển của vùng ĐBSCL đang tăng mạnh với các loại tàu có tải trọng trên 10.000 tấn.

Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đang thực hiện dự án đầu tư gần 5.000 tỉ đồng mở rộng, đào mới kênh Quan Chánh Bố trên địa bàn 3 xã Long Vĩnh, Long Khánh, Dân Thành (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) nối với cửa Định An với các hạng mục chính: mở rộng đoạn sông Hậu (dài 6km, rộng 95 m) và kênh Quan Chánh Bố (cũ, dài 19 km rộng 85 m), đào mới 9 km kênh tắt thông ra biển (rộng 85 m) và 6 km kênh biển (rộng 150 m)…

Khi được đưa vào khai thác, luồng tàu này phục vụ tàu biển tải trọng từ 10.000 – 20.000 tấn và tàu chở hàng container lưu thông với công suất vận chuyển 21 – 22 triệu tấn/ năm.

Hai công trình quan trọng nói trên không những được ĐBSCL hào hứng đón nhận mà ngay cả TP.HCM cũng đón nhận rất nhiệt tình.

Bởi lẽ, ĐBSCL có thể tận dụng ngay mạng lưới giao thông “thủy-biển” liên hoàn để thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu thay vì phải chuyển hàng hóa theo đường bộ lên TP HCM rồi xuất khẩu ở đây. Với TP.HCM, việc này sẽ gián tiếp giúp giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Cùng với các dự án giao thông khác đã và sẽ được khởi công như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, sân bay quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 2), đường Nam sông Hậu, sân bay Phú Quốc, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận…,hai dự án giao thông đường thủy nói trên sẽ tạo cơ hội cho vùng đất châu thổ “Chín Rồng” này thực hiện kỳ vọng bay cao, bay xa.