Bão số 9 đổ bộ vào miền Trung

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, các tỉnh miền Trung sẽ phải hứng chịu bão số 9 cực kỳ nguy hiểm. Những dấu hiệu hiện nay cho thấy, cơn bão này tương tự bão Xangsane mạnh kỷ lục hồi tháng 10/2006. Đây là cơn bão lớn cuối mùa có tên quốc tế Ketsana, được dự đoán sẽ trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các vùng ven biển.


Hồi 13 giờ ngày 28/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế- Quảng Nam khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực nam Vịnh Bắc bộ.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km. Như vậy từ đêm 28/09, vùng gió mạnh trước bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 29/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc, 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Nam khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350 km.

Khoảng chiều tối ngày 29/09 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, và đến 13 giờ ngày 30/09, vị trí tâm bão sẽ ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Sau đó, bão số 9 tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Đến 13 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc, 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội.

Từ đêm 28/09, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Sáng sớm ngày 29/09, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kom Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Cơn bão Xangsane đổ bổ vào miền Trung với sức gió trên cấp 12 hồi tháng 10/2006 đã làm 68 người chết và mất tích, gây thiệt hại về tài sản lên tới trên 10.000 tỷ đồng.
Theo nghiên cứu của Viện Khí tượng thủy văn, trung bình khoảng ba năm sẽ có hai lần bão mạnh trên cấp 12 đổ bộ vào vùng biển Việt Nam; mỗi năm có khoảng 30% các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mạnh cấp 10 đến cấp 12.

Với diễn biến hiện nay, bão số 9 được đánh giá là nguy hiểm tương tự như bão Xangsane, với sức gió trên cấp 13 đã diễn ra hồi tháng 10/2006, tại các tỉnh miền Trung. Dù là cơn bão cuối mùa nhưng với diễn biến phức tạp, nên cần đề phòng khả năng bẻ hướng đột ngột, đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, chiều ngày 26/09, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo buổi giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương để triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua ở miền Trung, đồng thời thực hiện các biện pháp đối phó với cơn bão số 9. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1794/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về việc phòng, chống bão số 9.

Sáng 27/09, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương thành lập 2 Đoàn công tác xuống địa phương trực tiếp chỉ đạo triển khai chống bão số 9. Đoàn thứ nhất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đi các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; đoàn thứ 2 do Bộ Quốc phòng chủ trì đi các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Cho tới ngày 28/09, bão số 9 có chiều hướng mạnh hơn, áp sát vùng biển miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bàn biện pháp đối phó với cơn bão Ketsana.

Theo đó, từ 10 giờ đến 24 giờ đêm 28/09, các địa phương khu vực miền Trung phải hoàn tất việc sơ tán dân tại vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chậm nhất đến 4 giờ sáng 29/09 hoàn thành tất cả các phương án, công tác phòng, chống bão.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, công tác sơ tán dân cần đặc biệt làm sớm và quyết liệt đối với các vùng bãi ngang, vùng trũng, thấp, ven sông, ven suối, các hộ nhà yếu ở đô thị và nông thôn, người trên tàu thuyền, các nhà lồng bè,… Các trường học cũng thực hiện cho học sinh nghỉ học.

Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định các vùng nguy hiểm bởi bão số 9 để thực hiện các biện pháp khẩn cấp, kêu gọi và hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền; hỗ trợ nhân dân chằng, chống nhà cửa; đảm bảo túc trực công tác hồ thủy điện, hồ chứa, các điểm giao thông xung yếu, hệ thống điện, thông tin liên lạc,… Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và khu vực đảo Hoàng Sa vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.