Đại biểu Quốc hội: Nguy cơ phải nhập khẩu nước ngọt là điều đáng báo động

ThienNhien.Net – Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc xử lý nguồn nước ở các dòng sông thì sẽ dẫn đến tình trạng bị ô nhiễm nặng, nguy cơ phải nhập khẩu nước ngọt là điều đáng báo động.

 Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp. Hồ Chí Minh)

Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, đa số các đại biểu tán thành với nội dung giám sát chuyên đề về ô nhiễm môi trường. Trong báo cáo của Quốc hội gửi, của các cơ quan, ban, ngành có hơn 50 ý kiến thì đến 28 ý kiến đề xuất về việc môi trường,

Thảo luận tại Quốc hội chiều 25/7, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) kiến nghị nên có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó trọng điểm là Formosa.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết ông đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa nên có một Ủy ban lâm thời giám sát dự án Formosa vì giám sát này chúng ta giám sát cả đầu tư và cả môi trường.

Theo đại biểu Kim, vấn đề này bây giờ không thể đơn giản được vì đây là sự quan tâm của nhân dân một cách rộng rãi, đặc biệt đại biểu Quốc hội chúng ta ai cũng quan tâm. Đây không chỉ là sự cố môi trường mà còn là thảm họa môi trường, bao giờ khắc phục xong, ai dám nói và nguy cơ còn không, nguyên nhân sinh ra còn không?

“Tất cả những vấn đề này còn đang ở phía trước. Theo phản ánh của nhân dân, đặc biệt trong ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta thấy không chỉ là vấn đề môi trường mà là vấn đề kinh tế, giá thép so với năm 2008 xuống ghê gớm”, ông Kim nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, với gần 24 năm thi hành Luật bảo vệ môi trường, trước những sự cố về môi trường không chỉ của Formosa mà ở các địa điểm như sông Bưởi của Thanh Hóa, ô nhiễm sông Sài Gòn, các việc gây ô nhiễm khác, có thể thấy vấn đề môi trường là vấn đề quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri cả nước.

Đại biểu Thân đề nghị phải giám sát xem văn bản luật có đi vào cuộc sống hay không, phải kiểm tra, kiểm soát và xem toàn diện về môi trường đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng và nhiều lĩnh vực khác, các thành phần của môi trường như luật đã nêu.

Đồng thời giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài nước về vấn đề môi trường trong việc lập, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, trong việc tổ chức thực hiện. “Cần sớm chấm dứt và làm chủ được tình hình, làm thế nào đừng để sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới”, đại biểu Thân nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng vấn đề môi trường là rất rộng, nhiều lĩnh vực, một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay đó là chất lượng nguồn nước của các dòng sông.

Theo ông Lộc, nếu không dự báo ngay từ bây giờ, kiểm soát chặt chẽ việc xử lý nguồn nước ở các dòng sông của đất nước thì dự báo trong tương lai gần có thể là nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và chính sự sống của dân tộc ta, nguy cơ phải nhập khẩu nước ngọt là điều đáng báo động.