An toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen

ThienNhien.Net – Một trong các điều kiện của sinh vật biến đổi gen được sử dụng làm thực phẩm, hay thức ăn chăn nuôi là phải được cơ quan chuyên môn kết luận sinh vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người, vật nuôi.


Đó là một trong những nội dung quan trọng được nêu rõ tại Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Nghị định này thay thế Nghị định số 212/2005/QĐ-TTg ngày 26/08/2005.

Sinh vật biến đổi gen chỉ được làm thực phẩm khi không có rủi ro cho sức khỏe con người

Để được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, sinh vật biến đổi gen phải đáp ứng 1 trong các điều kiện: được Hội đồng an toàn thực phẩm thẩm định, kết luận sinh vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người; được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.

Bộ Y tế có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm.

Trường hợp sinh vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm thì sinh vật biến đổi gen đó được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, hoặc thu hồi.

Phải tiêu hủy sinh vật biến đổi gen khi gây hại môi trường và con người

Nghị định cũng quy định, sinh vật biến đổi gen khi sử dụng phóng thích, bao gồm nuôi, trồng, thả có chủ đích vào môi trường phải được khảo nghiệm và phải được thực hiện từng bước, từ khảo nghiệm hạn chế đến khảo nghiệm diện rộng. Khu vực khảo nghiệm phải cách xa khu bảo tồn và khu vực đông dân cư theo quy định.

Khi phát hiện sinh vật biến đổi gen gây hại rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi mà không kiểm soát được, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khảo nghiệm và cơ sở khảo nghiệm phải chấm dứt khảo nghiệm và áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xử lý rủi ro, đồng thời tiêu hủy sinh vật biến đổi gen.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen.

Nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen chỉ được thực hiện tại phòng thí nghiệm

Hoạt động nghiên cứu tạo ra, phân tích, thử nghiệm cách ly sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen chỉ được phép thực hiện tại phòng thí nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.

Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen phải được tiến hành trong khuôn khổ đề tài, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen được tạo ra từ sinh vật cho và sinh vật nhận có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi phải được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép.

Thuyết minh đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen phải có nội dung an toàn sinh học.

Ghi nhãn hàng hóa có tỷ lệ sinh vật biến đổi gen lớn hơn 5%

Tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của chúng trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen ghi trên nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật thông tin về sinh vật biến đổi gen; công khai thông tin về sinh vật biến đổi gen với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi; quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen cũng được quy định chi tiết tại Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/08/2010.